An Nhơn tập trung phát triển các CCN
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, TX An Nhơn đã tập trung quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp, mời gọi, thu hút các DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách cho địa phương.
Sản xuất cơ khí tại một DN ở CCN Bình Định.
Theo Ban quản lý Cụm công nghiệp (CCN) TX An Nhơn, đến nay, trên địa bàn toàn thị xã đã có 12 CCN đi vào hoạt động thu hút đầu tư, với tổng diện tích 323,5 ha. Trong đó, có 4 CCN đã được lấp đầy, gồm: Bình Định, Gò Đá Trắng, Thanh Liêm, Nhơn Hòa, thu hút 78 DN với diện tích đã cấp cho nhà đầu tư là 57,5 ha, tạo việc làm ổn định cho trên 5.000 lao động. Các CCN còn lại gồm: Tân Đức, Đồi Hỏa Sơn (xã Nhơn Mỹ), An Trường, Nhơn Tân, Nhơn Tân 1, An Mơ (xã Nhơn Tân), Thắng Công (xã Nhơn Phúc), Nhơn Phong (xã Nhơn Phong), với tổng diện tích 266 ha, đã và đang được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thu hút nhà đầu tư.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là nhiệm vụ then chốt trong phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian qua, thị xã đã thực hiện các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư, các DN đầu tư vào các khu, CCN. Ngoài Khu công nghiệp Nhơn Hòa do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý, các địa phương có điều kiện phát triển CN-TTCN đều đã được quy hoạch và triển khai xây dựng các CCN tập trung, tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ, thương mại.
Theo ông Sơn, cùng với tăng cường thu hút đầu tư, UBND TX An Nhơn cũng đã từng bước khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Trong đó, chú trọng vào một số làng nghề có thị trường ổn định như rượu Bàu Đá, tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, khảm xà cừ Nhơn Hưng, bún Song Thằn… Kịp thời ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào các CCN, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp các DN, cơ sở sản xuất hoạt động sản xuất ổn định và phát triển.
Thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN tại CCN Bình Định (phường Bình Định) và CCN Gò Đá Trắng (phường Đập Đá) cho thấy, hầu hết các DN đều được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi.
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Đường Minh (CCN Gò Đá Trắng) sản xuất các ngư cụ phục vụ đánh bắt thủy sản xa bờ.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại Vinh Phong (CCN Bình Định), cho biết: “DN tôi đăng ký đầu tư vào CCN Bình Định với các ngành nghề chính như sản xuất lưới rào B40, gia công sắt, thép phục vụ các công trình xây dựng. Từ khi đầu tư vào CCN Bình Định, DN luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ UBND thị xã, cùng đồng hành với nhà đầu tư kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Nhờ vậy, DN rất yên tâm sản xuất, kinh doanh, mỗi năm doanh thu của DN đạt gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 56 lao động tại địa phương”.
Trong các CCN ở TX An Nhơn, CCN Gò Đá Trắng ở phường Đập Đá với diện tích gần 17 ha được hình thành sớm nhất. Đến nay, CCN này đã được lấp đầy, thu hút được 52 DN vào hoạt động, với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sản xuất bột nhang, đúc đồng, sản xuất bao bì, cơ khí… Ông Đào Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Đường Minh, cho hay: “Công ty tôi hoạt động trên lĩnh vực đúc kim loại, sản phẩm là các ngư cụ phục vụ cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. Trước đây, xưởng sản xuất của DN nằm trong khu dân cư nên trong quá trình sản xuất ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Từ khi được UBND thị xã quan tâm giao đất để xây dựng xưởng sản xuất trong CCN Gò Đá Trắng, DN có điều kiện để phát triển sản xuất. Các vấn đề về rác thải, nước thải được thu gom, xử lý triệt để, không để xảy ra ô nhiễm môi trường”.
Ông Trịnh Đào Em, Trưởng Ban quản lý các CCN TX An Nhơn, cho hay: Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh nên tốc độ tăng trưởng trên lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn thị xã tăng trưởng mạnh, đạt bình quân từ 15 - 20%/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đạt trên 4.284 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm tăng mạnh như: nước mắm (tăng 10%), rượu trắng (tăng 17,3%), đá lạnh (tăng 12,2%), bánh tráng (tăng 10,8%), gạch đất nung (tăng 5,7%), bột nhang (tăng 3,3%), đồ gốm các loại (tăng 7,3%)...
N. HÂN