Người trẻ bảo vệ và chăm sóc di tích
Không ít người phàn nàn về việc nhiều thanh thiếu niên đã làm tổn hại di tích. Tuy nhiên vẫn có nhiều người trẻ góp phần bảo vệ và lan tỏa các giá trị di tích.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp Phòng GD&ĐT Quy Nhơn tổ chức các cuộc thi cho học sinh tìm hiểu văn hóa, lịch sử quê hương.
Điều này một phần bắt nguồn từ việc mấy năm gần đây, hoạt động giáo dục, nhen nhóm tình yêu di tích đối với thế hệ trẻ ngay từ khi còn là học sinh phổ thông. Hiện nay, nhiều huyện tổ chức các hoạt động như: Về nguồn, giao lưu, dã ngoại, nói chuyện truyền thống nhằm giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn và giáo dục truyền thống dành cho đối tượng thanh thiếu niên. Nhờ “mưa dầm thấm sâu”, nhiều người trẻ từng bước thay đổi nhận thức và góp phần chung tay bảo vệ, chăm sóc di tích.
Anh Nguyễn Công Ý, Phó Bí thư Huyện đoàn huyện Tuy Phước, cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, do vậy chúng tôi phân chia để các trường phụ trách việc chăm sóc di tích, ví dụ Đoàn Trường THPT số 1 Tuy Phước chăm sóc nhà lưu niệm Đào Tấn, Đoàn Trường THPT Xuân Diệu chăm sóc tháp Bánh Ít, Đoàn Trường THPT số 2 Tuy Phước chăm sóc nhà lưu niệm Xuân Diệu… Ngoài ra, các xã đoàn cũng có cách chăm sóc, giới thiệu di tích lịch sử quê hương theo cách riêng của các bạn ấy.
Tháng 6 vừa rồi, nhân kỷ niệm 139 năm ngày giỗ cụ Nguyễn Diêu, Đoàn xã Phước Sơn cùng học sinh Trường THPT số 3 Tuy Phước và Trường THPT Nguyễn Diêu chung tay dọn dẹp tuyến đường vào mộ và tảo mộ cụ Nguyễn Diêu. Hơn nữa, trên trang thông tin điện tử của Đoàn xã, có đăng những bài viết giới thiệu cụ thể về cuộc đời sự nghiệp cụ Nguyễn Diêu chi tiết, rõ ràng. Nhờ những việc làm thiết thực như vậy, những người trẻ dần hiểu biết nhiều hơn về truyền thống văn hóa - lịch sử của quê hương. Những hoạt động ấy không chỉ tác động đến các bạn thanh niên mà còn tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng dân cư. Ví dụ từ trang thông tin điện tử của Đoàn xã Phước Sơn, chị Nguyễn Hiếu (đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: Giờ tôi mới biết đến cụ Nguyễn Diêu và mộ cụ trên quê hương mình, nếu không có bài viết này thì tôi chẳng biết mộ cụ ở đâu. Sắp tới có dịp về thăm quê tôi sẽ đến viếng mộ cụ.
Ở nhiều huyện, Phòng GD&ĐT đã phối hợp Phòng VH-TT chỉ đạo, hướng dẫn học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thực hiện tốt phong trào thi đua “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Theo đó, các địa phương hướng dẫn mỗi trường học trên địa bàn có di tích đăng ký nhận chăm sóc một di tích, xây dựng kế hoạch hàng năm tổ chức cho học sinh tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc di tích đã đăng ký. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thi đố vui để học, tổ chức tham quan tại các di tích lịch sử để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương, ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích để nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích.
Tại TX An Nhơn, với sự hướng dẫn của thầy cô, học sinh các trường tiểu học, THCS cùng nhau chăm sóc di tích gần trường như Trường THCS Nhơn Hưng chăm sóc di tích Gò Chàm, Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành chăm sóc Thủ thành Quy Nhơn... Thầy Đinh Thạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành, chia sẻ: Ngày trước ý thức người dân chưa cao, di tích bị biến thành nơi chứa rác thải. Việc các cháu học sinh đến dọn dẹp phần nào đó đã tác động đến ý thức người dân. Họ gần như không xả rác ở đây nữa. Như vậy, ngoài giáo dục truyền thống cho các cháu, việc nhận chăm sóc di tích lịch sử cũng góp phần nâng cao ý thức người dân xung quanh.
Bên cạnh việc tổ chức cho các em chăm sóc di tích, để giáo dục truyền thống, một số nơi còn tổ chức các cuộc thi để học sinh tìm hiểu về lịch sử quê hương. Theo đó, hằng năm Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn phối hợp Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức các cuộc thi như: Tiết học lịch sử, Họa sĩ nhí với Bảo tàng, Theo dòng lịch sử… cho học sinh tìm hiểu về lịch sử quê hương, các di tích lịch sử trên địa bàn. Ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: Chúng tôi phối hợp tổ chức các cuộc thi nhằm giáo dục và tạo dựng tình cảm của học sinh đối với lịch sử quê hương, đất nước và di sản văn hóa dân tộc.
THẢO KHUY