Khẩn cấp xác định bản đồ “đại hạn”
Trước tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng, chiều 22.7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị để triển khai chống thiếu nước, xâm nhập mặn, cứu lúa hè thu, lúa mùa tại Trung bộ.
Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng - thủy văn Bộ TN-MT và Tổng cục Thủy lợi Bộ NN-PTNT, hơn 1 tháng qua, Trung bộ diễn ra nắng nóng khốc liệt, tới mức rừng cháy, đồng lúa khô khát, hàng loạt hồ chứa xuống mực nước chết.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, Tổ chức Khí tượng thế giới đã cảnh báo năm nay là năm nắng nóng kỷ lục nhất trong 140 năm qua. Nắng nóng liên tục kéo dài kèm theo độ ẩm thấp, gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng nước bốc hơi rất lớn, lượng mưa ít, nhu cầu nước tưới và sinh hoạt tăng. Đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước đang khốc liệt ở Trung bộ. Không chỉ thiếu nước cho thủy điện mà nước cho thủy lợi và nhu cầu sinh hoạt cũng đang phải “cân đong”. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phải vẽ được bản đồ các khu vực đang bị hạn hán, thiếu nước ở Trung bộ. Về nước tưới, Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng, năng lực hồ chứa, công trình thủy lợi ở Trung bộ, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa khô để đảm bảo sản xuất. Cục Trồng trọt nghiên cứu, đưa ra khuyến cáo cụ thể cho từng địa phương về việc cần chuyển bao nhiêu diện tích đất trồng lúa sang cây trồng chống chịu hạn, tiết kiệm nước.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết: Từ nửa cuối tháng 7 sang tháng 8, trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị xuất hiện 1-2 đợt. Thế nhưng, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên sắp tới phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10%-45%; các sông ở Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định đến Ninh Thuận thấp hơn từ 65%-90%.
Dự báo, tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn vùng cửa sông sẽ lan rộng ra các tỉnh ở Trung Trung bộ, Nam Trung bộ (nặng nhất là các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên) và có khả năng kéo dài đến hết tháng 8. Trên một số sông thuộc Trung bộ có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất (kỷ lục) trong chuỗi số liệu quan trắc.
Theo VĂN PHÚC (SGGP)