Cả quốc gia bị tin tặc đánh cắp thông tin
Tin tặc đã đánh cắp dữ liệu của hơn 5 triệu người dân Bulgaria từ cơ quan thuế của quốc gia này. Kênh CNN (Mỹ) đánh giá, ở một quốc gia chỉ có 7 triệu dân, việc tin tặc nắm trong tay dữ liệu của 5 triệu người là một vấn đề đáng lưu ý.
Dữ liệu cá nhân của 5 triệu người dân Bulgaria đã bị rò rỉ. Ảnh: Reuters
Bà Desislava Krusteva tại một công ty luật ở Sofia cho biết: “Những vụ việc như thế này không nên xảy ra ở tầm quốc gia. Dường như tin tặc không cần bỏ ra nhiều công sức. Đó cũng là dữ liệu của hầu hết công dân Bulgaria”.
Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu cá nhân Bulgaria xác nhận đã tiến hành điều tra về vụ tấn công mạng này. Cảnh sát Bulgaria đã bắt một nhân viên chuyên về an ninh mạng 20 tuổi bị cho là có liên quan tới vụ tấn công mạng.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Bulgaria trở thành mục tiêu của tin tặc. Cơ quan Đăng ký Thương mại của Bulgaria từng bị tấn công mạng trong năm 2018.
Nhà phân tích chính trị Asen Genov, nhân vật cũng nằm trong số 5 triệu người bị lộ thông tin, nhận xét: “Chúng ta không nên giận dữ… Tất cả mọi người đều có thể tiếp cận thông tin này. Rất nhiều người ở Bulgaria vốn nắm trong tay dữ liệu này và tôi tin rằng điều này không chỉ xảy ra tại Bulgaria”.
Dữ liệu của Chính phủ luôn là “mỏ vàng” cho tin tặc. Các chuyên gia đánh giá kho dữ liệu này có ích trong nhiều năm sau đó.
Chuyên gia an ninh thông tin tại Công ty An ninh mạng Clearswift đánh giá: “Bạn có thể dùng mật khẩu dài và phức tạp nhưng số thông tin mà Chính phủ nắm giữ lại là điều không thể thay đổi. Ngày sinh của bạn, nơi ở. Rất nhiều thông tin có giá trị ngày hôm qua vẫn sẽ như vậy trong ngày hôm nay và thậm chí là 5, 10, 20 năm đối với nhiều người".
CNN cho biết, tin tặc không chuyên vẫn có thể gây ra những vụ việc hậu quả nghiêm trọng nhờ công cụ đột nhập lấy được từ trên các trang mạng đen.
Luật Bảo vệ thông tin nghiêm ngặt đã có hiệu lực trên khắp châu Âu từ năm 2018. Luật này đã tạo gánh nặng đối với những người phụ trách thu thập và lưu trữ thông tin cá nhân của người dân. Tuy nhiên, tấn công mạng vào hệ thống của Chính phủ vẫn đang gia tăng.
Hệ thống đã lỗi thời được cho là nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề. Một số Chính phủ thậm chí còn tìm đến các công ty tư nhân để quản lý dữ liệu.
Bộ Cựu chiến binh Mỹ từng bị tấn công mạng trong năm 2006 khi dữ liệu của ít nhất 26 cựu chiến binh và quân nhân bị đánh cắp.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức