Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sốt ruột với du lịch của Bình Định
Làm việc với tỉnh Bình Định sáng 22.7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sốt ruột khi Bình Định có nhiều lợi thế về du lịch biển và văn hóa Chăm nhưng chưa phát huy được giá trị và lợi ích kinh tế từ những tài nguyên này.
Các tháp Chăm tại Bình Định
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng, Bình Định có lợi thế rất lớn về cảnh quan tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch. Tỉnh này cũng nằm trong vùng trọng điểm du lịch duyên hải Nam Trung Bộ. Từ năm 2016 tới 2018, Bình Định đã thu hút 14.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng du lịch, sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho ngành này ở Bình Định trong thời gian tới. Tuy nguồn thu vào ngân sách từ du lịch không lớn nhưng ông Tùng cho rằng du lịch sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tạo việc làm, an sinh xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết, Bình Định còn thiếu rất nhiều nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực du lịch, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, tập trung chủ yếu vào du lịch biển. Ngoài Tập đoàn FLC đầu tư vào du lịch ở Bình Định thì hiện nay chưa có nhiều nhà đầu tư lớn khác đầu tư và kinh doanh ở đây.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh vào điểm yếu của ngành du lịch mà nhiều nơi chưa làm được đó là đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Dẫn ra cách làm du lịch “hái ra tiền” như tại Vòng quay Thiên niên kỷ ở thủ đô London (Vương quốc Anh), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Lên cabin của vòng quay để đi tham quan, không có ý định chụp ảnh. Nhưng lúc xuống cabin để đi ra thì đập vào mắt mình là một màn hình to chiếu bức ảnh chụp mình với bối cảnh London trên không trung rất đẹp. Lúc đấy rất thích có 1 tấm ảnh kỷ niệm rồi, là phải chi tiền rồi. Lúc đợi lấy ảnh thì vô vàn đồ lưu niệm kỷ niệm về London, lại chi tiền ra mua thêm móc chìa khóa, logo, áo phông,... Mỗi thứ vài bảng Anh, cộng lại cũng không ít cho mỗi khách. Nhiều khách nhân lên thì rất nhiều tiền”.
Từ đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định ngành du lịch và tỉnh Bình Định cần tính toán thu hút doanh nghiệp đầu tư bài bản vào du lịch, tạo ra năng lực trong khai thác, quản lý hiệu quả nguồn lợi từ thiên nhiên, văn hoá độc đáo của địa phương.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vốn có 5 năm trên cương vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Định trước đây, cũng bày tỏ trăn trở về hệ thống di tích văn hóa, lịch sử tháp Chăm rất đẹp trên địa bàn này đang không được khai thác hiệu quả, để di tích “sống” và mang lại lợi ích về vật chất và niềm tự hào của người dân Bình Định cũng như các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống.
Phó Thủ tướng đề nghị Bình Định không chỉ tập trung khai thác du lịch ở khu vực ven biển mà phải quan tâm tới khu vực nông thôn, nơi có đồng bằng, miền núi mà đặc biệt là những giá trị văn hóa của đồng bào Chăm qua hệ thống tháp tiêu biểu.
“Bình Định cần sớm xây dựng Đề án phát triển ngành du lịch của tỉnh là ngành kinh tế mũi nhọn để có cách nhìn và giải pháp đồng bộ hơn nữa, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bình Định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Bình Định tăng cường năng lực quản lý các dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn để bảo đảm tạo ra nguồn thu thuế bền vững cho địa phương trong tương lai.
“Như Đà Nẵng và Nha Trang đang quản lý các dịch vụ này rất tốt, thu thuế các hoạt động nhà hàng khách sạn qua hóa đơn. Chính phủ đang giao các thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện hóa đơn điện tử trong năm 2019 để làm tốt và minh bạch lĩnh vực này. Bình Định và các địa phương khác cũng cần nhanh chóng tính toán để triển khai”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Bình Định và các bộ, ngành rà soát các lợi thế của địa phương để xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của toàn quốc trong thời gian tới./.
Theo Thành Chung (Chinhphu.vn)