Chắp cánh cho rau an toàn
Rau an toàn đã và đang là sinh kế của nhiều hộ dân tham gia Dự án rau an toàn Bình Ðịnh. Thương hiệu Lá Lành vừa ra mắt là điều kiện tốt để tỉnh ta mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và cả người sản xuất, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.
Là người đến sớm để dự lễ ra mắt thương hiệu Lá Lành cho sản phẩm rau an toàn Bình Định diễn ra ngày 6.7 vừa qua tại Siêu thị Big C Quy Nhơn, ông Đặng Văn Khánh, ở làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, không ai nghĩ đồng bào Vĩnh Sơn có thể trồng rau an toàn, chứ đừng nói chi đến trồng rau đến mức có thương hiệu. Ấy vậy mà với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, đơn vị, chúng tôi đã làm được. Sản phẩm rau củ quả ôn đới sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đã trở thành hàng hóa và trồng rau đã là sinh kế của chúng tôi. Chúng tôi đang bàn bạc mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng và chủng loại rau củ để cung cấp cho Siêu thị Big C Quy Nhơn”.
Sản phẩm rau an toàn của nông dân Bình Định được bày bán tại Siêu thị Big C Quy Nhơn.
Được biết, từ đầu năm đến nay, nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn Vĩnh Sơn đã sản xuất được 7,8 tấn, trong đó bán cho Siêu thị Big C Quy Nhơn 5,3 tấn theo hợp đồng đã ký (với giá cao hơn từ 10 - 12% so với bán tại các chợ), phần còn lại bán cho các chợ trong tỉnh.
Tương tự, bà Đinh Thị Lệ Huyền, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn, cho hay: Tôi cùng 22 hộ dân khác tham gia sản xuất rau an toàn với diện tích 2,5 ha, sản phẩm chủ yếu là đu đủ, dưa leo, khổ qua, đậu bắp. Bình quân mỗi tháng, chúng tôi cung cấp cho Siêu thị Big C Quy Nhơn 4 tấn rau. Nay, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP đang nhiều lên khá nhanh, với thương hiệu Lá Lành, tôi nghĩ, người tiêu dùng sẽ nhớ đến sản phẩm của chúng tôi dễ hơn.
Cả tỉnh ta hiện có 20 nhóm với 498 nông dân tại huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân và TX An Nhơn sản xuất rau an toàn trên diện tích 40 ha. Nếu năm 2018, nông dân ở Phước Hiệp (Tuy Phước), Nhơn Hưng (An Nhơn), Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), Thuận Nghĩa (Tây Sơn) bán được tổng cộng 200 tấn rau an toàn, thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay họ đã bán được 136 tấn. Ông Trần Bình Long, Giám đốc điều hành vùng miền Trung Big C Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Central Group Việt Nam (CGV), nhận định: Nhu cầu rau an toàn của người dân ngày càng lớn, nhưng khả năng cung cấp của các nhóm có khả năng sản xuất rau hợp chuẩn VietGAP tại Bình Định còn hạn chế. Vì vậy, các ngành chức năng, chính quyền địa phương nên động viên nông dân mở rộng diện tích, đa dạng hóa các dòng, loại rau củ khác; đồng thời hỗ trợ họ nhiều hơn về truyền thông.
Đánh giá cao kết quả của Dự án rau an toàn Bình Định, khả năng phát triển của thương hiệu Lá Lành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu Sở NN&PTNT và chính quyền các địa phương tiếp tục thành lập thêm nhiều nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mở rộng quy mô và áp dụng nghiêm quy trình sản xuất; có giải pháp cụ thể để giữ gìn và phát triển thương hiệu Lá Lành cho sản phẩm rau an toàn Bình Định.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết: Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sản xuất rau an toàn, thành lập và vận động nông dân tham gia các nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn. Chúng tôi phấn đấu từ nay đến năm 2021 đào tạo, hướng dẫn khoảng 2.000 nông dân sản xuất rau an toàn.
PHẠM TIẾN SỸ