Thủ khoa các tổ hợp xét tuyển: Tự học là chính
Theo Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ÐT), ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Bình Ðịnh có 6 thủ khoa ở các tổ hợp xét tuyển. Theo nhận xét của một số giáo viên và chia sẻ của các em - tự học là điểm chung của các thí sinh này.
Năm nay, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 3 thủ khoa là các học sinh: Cao Huyền Diệu - thủ khoa khối D1, Trần Duy Phú và Nguyễn Cẩm Trân - đồng thủ khoa khối B.
Nói về cách học, Trần Duy Phú chia sẻ: Em thích học Toán từ khi lên cấp II và kể từ đó em tìm cách tham khảo thêm các tài liệu trên mạng. Em có một nhóm bạn cùng chung niềm ham thích, em lấy những bạn học giỏi làm động lực phấn đấu. Em có đi học thêm, nhưng tự học là chính, ngoài ra còn nhờ tham gia các nhóm học tập trên mạng, làm quen với các anh chị để hỏi bài, trao đổi học tập. Các nhóm em tham gia là: Luyện giải đề đại học, Toán học Bloobook.
Em Cao Huyền Diệu và Trần Duy Phú nghe hỏi thăm, tư vấn của thầy Mai Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (bìa phải) và thầy Võ Quốc Thành, giáo viên dạy Toán của trường.
Tôi rất bất ngờ khi em Cao Huyền Diệu “bật mí”, lên tới lớp 12 em mới bắt đầu thay đổi cách học để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Diệu chia sẻ: Em nhận ra, học Văn mà nếu chỉ ngẫu hứng thì không giúp ích được cho việc thi tốt nghiệp. Do vậy lên lớp 12, em bắt đầu xây dựng phương pháp tiếp cận khác, em học theo ý chính và lõi của vấn đề; cộng với khả năng cảm nhận riêng mình, em nghĩ bài làm sẽ tốt hơn. Em thích môn tiếng Anh nên từ năm lớp 10, em đã nghĩ nên tiếp xúc với tiếng Anh bằng cách nghe người bản xứ nói những câu cơ bản, khi mình yêu nó rồi thì lúc giải đề sẽ thấy dễ hơn; trung bình một tuần em giải từ 4 - 5 đề.
Tự nhận là mình chọn học khối xét tuyển ít tốn kém nhất, em Nguyễn Thị Thanh Hân, thủ khoa khối C, Trường THPT Nguyễn Diêu (Tuy Phước), kể: Chủ yếu là em học sách giáo khoa bởi vì nội dung trong đề thi phần lớn nằm trong sách. Đối với các sự kiện thì em thường học theo kiểu sơ đồ để dễ nhớ và hệ thống các sự kiện lại. Các phần lịch sử luôn có kết nối với nhau, học lịch sử Việt Nam thì phải liên hệ với lịch sử thế giới bởi vì hoàn cảnh của thế giới ảnh hưởng đến các sự kiện tại Việt Nam. Qua đó em dễ hiểu dễ nhớ hơn. Đối với môn Địa lý, cần phải khai thác triệt để atlat. Nói chung em thấy, hễ tìm thấy niềm vui khi học thì kết quả sẽ tốt.
Em Đỗ Mai Văn (bìa phải) tự học ở nhà.
Năm nay, tỉnh có thủ khoa khối A là học sinh của huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Em Đỗ Mai Văn, học sinh Trường THPT Vĩnh Thạnh, bày tỏ: Em không bất ngờ về số điểm nhưng hơi bất ngờ về vị trí thủ khoa. Ngoài sự giúp đỡ của thầy cô trên lớp, em thường cùng với bạn bè học nhóm để giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, em tham gia các nhóm học trên mạng để trao đổi, giải thêm bài tập.
Chia sẻ về cách làm bài thi, hầu hết các thủ khoa đều cho rằng bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất, như vậy mới vận dụng hết khả năng của mình để làm bài thi. Đồng thời phải canh giờ để làm bài, làm hết tất cả các câu, những câu dễ phải làm thật chắc chắn, câu nào khó thì đánh dấu để đó, rồi tiếp tục làm bài, sau quay lại làm các câu ấy. Làm xong bài, phải dư được khoảng 10 phút để kiểm tra lại toàn bộ bài làm.
Điểm đáng chú ý là ngoài việc học, các bạn thủ khoa còn được xem là nhân tố tích cực của các hoạt động phong trào. Một số em cho rằng “học hết sức chơi phải hết mình”, như em Cao Huyền Diệu, tích cực tham gia các hoạt động của lớp, trường, các CLB tổ chức. Theo Diệu, tham gia các hoạt động ở trường cũng là một cách để giải stress khi bài vở căng thẳng.
Còn Hân vui vẻ tự nhận mình là thanh niên “ham chơi nhất năm” của lớp. Em hay tham gia hoạt động phong trào, đặc biệt là các cuộc thi do Đoàn trường, Huyện đoàn Tuy Phước tổ chức. “Các hoạt động phong trào giúp em có thêm các kỹ năng, kiến thức mới. Không chỉ riêng với khối C mà nhiều khối khác, các kiến thức ngoại khóa cũng đều có ích”, Hân chia sẻ.
THẢO KHUY