Ấm áp lễ gặp mặt người có công
Ngày 23.7, Sở LÐ-TB&XH tổ chức gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu toàn tỉnh năm 2019. Trong không khí ấm áp, thân tình, những chia sẻ, tâm sự của người có công về quá khứ, hiện tại tiếp tục nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn, về trách nhiệm cùng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Đình Thú, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở, ngành, địa phương và 88 đại biểu người có công.
Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành.
Đau thương và tự hào
Trong không khí kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2019), những người còn sống lại bùi ngùi nhớ về đồng chí, đồng đội đã hy sinh, về một thời đau thương nhưng bất khuất và tự hào của thế hệ mình. Ông Trần Minh Sang, Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh, hồi tưởng: “Tôi đã rất xúc động khi xem lại phóng sự về nhà tù, trại giam - nơi được gọi là “địa ngục trần gian” của những người lính cụ Hồ, những người yêu nước một thời. Ký ức thương đau của 5 năm bị giam giữ tại Nhà tù Phú Quốc lại nhức nhối. Kẻ thù đã có rất nhiều màn tra tấn dã man mà nếu không phải là người trong cuộc, chắc khó có thể tin là sự thật. Vậy mà, từ trong chính nhà tù, trại giam như vậy, ý chí, ngọn lửa cách mạng, hy vọng được hun đúc, trui rèn”.
Ông Trần Minh Sang, Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh, chia sẻ về những ngày tháng đau thương mà kiên cường tại “địa ngục trần gian” - Nhà tù Phú Quốc.
Nhắc lại những cái tên như: chị Mén, chị Lượm, chị Bảy... đã ngã xuống ở Trại giam nữ tù binh Phú Tài vì những trận tra tấn, làm nhục của quân địch, bà Võ Thị Thanh Quyết (67 tuổi, ở TP Quy Nhơn) bồi hồi xúc động. Nhưng rồi, như tinh thần quật khởi của hơn 900 nữ tù binh một thời, bằng giọng hào sảng, bà Quyết kể về việc các chị em thành lập tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên... trong nhà giam, tổ chức học văn hóa, biểu diễn văn nghệ. Giữa hội trường, trong tràng pháo tay cổ vũ của những người có công, người nữ tù binh năm xưa cất cao lời ca của ca khúc “Nữ tù bất khuất”.
Thời bình, những chiến sĩ quả cảm một thời bước vào mặt trận mới, không có bom đạn nhưng không kém phần cam go. Đáng tự hào, họ vẫn giữ vững tinh thần kiên trung, cống hiến cho quê hương, đất nước. Gắn bó với công tác khuyến học của TP Quy Nhơn 19 năm nay, bà Trần Thị Thanh Cúc (73 tuổi) tự hào khi cùng tập thể vận động được 52 tỷ đồng để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường. Trong số này, có gần 3 tỷ đồng do chính bà vận động được. Bà bảo: “Những người ủng hộ cho công tác khuyến học mà tôi tiếp cận, vận động đóng góp lại chính là con em của những người bạn, đồng nghiệp, đồng chí của mình một thời”.
Trở về từ chiến trường K, ông Nguyễn Văn Thứ (61 tuổi, ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) quyết tâm bám quê hương để làm kinh tế. Ông vay mượn mua một máy xay xát gạo; thâm canh trồng trọt cây ngắn ngày, chăn nuôi. Đến năm 2015, ông bàn với gia đình chuyển hướng sang thu mua gỗ keo để cung cấp cho các nhà máy dăm gỗ. Bình quân mỗi năm ông thu mua, cung cấp 5.000 - 10.000 tấn gỗ keo cho các nhà máy dăm. Ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích CCB sản xuất, kinh doanh giỏi.
Biến nhận thức và tình cảm thành hành động cụ thể
Những đóa hoa tươi thắm đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao tặng đến các Mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Từng (95 tuổi, ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát) tâm sự: “Mẹ già, lưng còng, đi lại khó khăn, tai cũng không còn nghe rõ nữa, nhưng mà vẫn thấy vui, thấy ấm lòng. Phải chi, mắt mẹ còn tinh, tai còn tốt để nghe được nhiều hơn những điều mà các cấp, các ngành, các đồng chí, đồng đội của con mẹ nói hôm nay”.
Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - tặng hoa tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng.
Khẳng định Đảng bộ, chính quyền Bình Định xem công tác thương binh liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang cho biết: “Thời gian qua, Sở đã chủ động đẩy mạnh công tác phổ biến chủ trương, chính sách mới về lĩnh vực người có công; phối hợp giải quyết chế độ chính sách cho người có công; phối hợp với Sở Xây dựng và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ về nhà ở người có công giai đoạn 2... Trăn trở lớn nhất hiện nay là nhiều mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ chưa có tên. Ngành LĐ-TB&XH tỉnh đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các ngành liên quan để nhanh chóng xác định tên cho các liệt sĩ”.
Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh và người có công với nước về những hy sinh cao cả và những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương đất nước.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về thành quả của sự nghiệp cách mạng, công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với nước, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cụ thể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị MTTQ, các tổ chức đoàn thể, xã hội động viên nhân dân, DN tham gia tích cực các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; rà soát, bổ sung và có chính sách ưu đãi đặc thù đối với người có công, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh theo hướng ngày càng nâng cao; tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ...
NGUYỄN MUỘI