Làng nghề đan đát Trung Chánh: Khó khăn đầu ra cho sản phẩm truyền thống
Thôn Trung Chánh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan đát với các sản phẩm như thúng, nia, nong... được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Hiện nay, nhu cầu thị trường đã giảm nhiều, các sản phẩm được làm bằng nguyên liệu như tre, mây ít được người dùng ưa chuộng. Do vậy, mặt hàng truyền thống này chỉ được các hộ dân nơi đây tranh thủ làm những lúc rảnh rỗi để tăng thu nhập, nhiều gia đình đã chuyển qua sản xuất các sản phẩm đan nhựa.
Toàn thôn Trung Chánh có gần 700 hộ, trong đó khoảng 450 gia đình vẫn còn giữ nghề đan đát với các nguyên liệu tự nhiên, công việc cần sự tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, lại cho thu nhập không cao, nhưng với người dân nơi đây, hàng ngày được đan đát đã là niềm vui lớn. Bà Võ Thị Hoa năm nay 69 tuổi cho biết: “đến đời tôi đã là thế hệ thứ 3 theo nghề này, gia đình tôi nghề chính vẫn là làm nông, việc đan đát chỉ là việc làm phụ những lúc rảnh rỗi, vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa giữ nghề để không bị mai một”.
Bên cạnh các mặt hàng như thúng, nia, sàn có kích thước lớn, những người thợ thủ công còn làm các đồ vật có kích thước nhỏ hơn như nón, rổ, giỏ xách có giá bán từ 15 - 30 ngàn đồng/cái, hay đồ lưu niệm có hình dáng ngộ nghĩnh, dễ thương như con cua, lồng đèn, túi xách... để bán cho khách du lịch.
Tuy vậy, việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm truyền thống này vẫn đang là điều trăn trở của người dân. Hiện nay, nhiều gia đình ở thôn Trung Chánh chuyển qua làm sản phẩm đan nhựa theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Điều này vừa giải quyết việc làm cho phụ nữ trong thôn khi xong việc đồng áng, vừa tăng thêm thu nhập và cũng giữ nghề đan đát vốn đã là truyền thống tại địa phương.
Có thể thấy, những sản phẩm truyền thống đang có nguy cơ mai một cả về nguyên liệu lẫn nhân lực. Để tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là giúp bà con tiêu thụ được nhiều sản phẩm làm từ nguyên liệu hiện có tại địa phương như tre, trúc, UBND xã Cát Minh đang tích cực khuyến khích người dân tiếp tục duy trì nghề, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp làm du lịch đưa du khách về tham quan, tìm hiểu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang nét truyền thống nơi đây.
Để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề đan đát Trung Chánh, đặc biệt là khuyến khích các sản phẩm đặc trưng của địa phương, bên cạnh sự nỗ lực của người dân thì sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng là rất quan trọng, giúp lưu giữ một nét đẹp văn hóa đã có từ lâu đời.
PHAN TUẤN (thực hiện)