Tự chủ tài chính bệnh viện: Cơ hội tốt, thách thức lớn
Tự chủ hoàn toàn về tài chính tăng tính chủ động và sự cạnh tranh cho các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, hiện mới có 1 đơn vị chính thức được phê duyệt triển khai tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; còn lại chỉ đảm bảo một phần chi thường xuyên.
Năm 2009, toàn tỉnh có 27/38 đơn vị sự nghiệp y tế được giao quyền tự chủ tài chính (71,1%); đến nay tăng lên 39/39 đơn vị (22 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, số còn lại do Nhà nước bảo đảm). Cụ thể, ở khối điều trị, duy nhất Bệnh viện Mắt tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; 17 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) vẫn thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên.
Từ năm 2019, Bệnh viện Mắt được tự quyết thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự.
Mới chỉ “mở” tự chủ tài chính
Chủ trương tự chủ tài chính trong hệ thống y tế công lập nhằm giảm chi ngân sách, chuyển chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua BHYT, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Đồng nghĩa, để tự cân đối thu chi, các cơ sở KCB phải thay đổi, cải thiện từ chất lượng KCB cho đến việc ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ tạo “sức hút” với bệnh nhân, tự cân đối đảm bảo chi thường xuyên.
Tại cuộc giám sát thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Bình Ðịnh, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội - Quốc hội (ảnh) khẳng định, tự chủ tài chính của Bình Ðịnh còn khiêm tốn, trong khi nhiều cơ sở thu hút bệnh nhân rất tốt. Tinh thần Nghị quyết 18 không phải là tự chủ để giảm chi, mà để góp phần huy động thêm nguồn lực cho y tế. Có thể hiểu là tự chủ để nhà nước giảm chi cho thường xuyên, lương tăng thêm, để đưa vào tăng chi cho đầu tư của ngành.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, do nhiều hạn chế, bất cập, nhiều đơn vị buộc phải áp dụng tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành năm 2006. Trong khi đó, từ năm 2012, đã có hành lang mới về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ KCB theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15.10.2012. Thậm chí, đến tháng 2.2015, lại có thêm Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy dù có hành lang pháp lý mới, nhưng để đủ điều kiện vận hành khả thi, nhiều đơn vị vẫn áp dụng Nghị định 43/2006/NĐ-CP.
BVĐK tỉnh được xếp loại đơn vị tự chủ một phần, nhưng trên thực tế đơn vị này đã hoàn toàn tự chủ chi thường xuyên. Bệnh viện đảm bảo khoản thu nhập tăng thêm mỗi tháng khoảng 800 triệu đồng cho nhân viên; trích lập các quỹ phúc lợi, khen thưởng, phát triển sự nghiệp gần 10 tỷ đồng/năm. Hơn thế, còn có khoản kinh phí dành chi đầu tư, sửa chữa các hạng mục nhỏ.
Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ đặt vấn đề: Nói là tự chủ nhưng thực chất mới chỉ “mở” tự chủ tài chính, trong khi các vấn đề quan trọng về nhân sự, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thì chưa được. Khi triển khai nhận chuyển giao kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn từ Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), bắt buộc bệnh viện phải có cử nhân sinh học đào tạo từ ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Bệnh viện rất cần để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đơn vị chuyển giao kỹ thuật, nhưng để tuyển mới thì phải chờ… xét tuyển toàn ngành. Rõ ràng, để vận hành bộ máy bệnh viện tốt hơn mà chỉ tự chủ về tài chính là chưa đủ, cần phải có cơ chế để tự chủ cả nhiều vấn đề khác nữa. Bởi lẽ bộ máy là một thể thống nhất gồm nhiều bộ phận, tự chủ ở bộ phận này nhất định sẽ tác động lên phần còn lại.
Chia sẻ về câu chuyện tự chủ, Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn Trần Quốc Việt phân tích, hiện nay hầu như các cơ sở y tế đều tích lũy được một khoản quỹ phát triển sự nghiệp. Nhưng để được sử dụng khoản quỹ này buộc phải xin ý kiến như thể đó là do ngân sách cấp và quy trình từ lúc đề xuất đến lúc được xài tiền có nhiều khó khăn.
Khi chúng tôi tham vấn lãnh đạo một số đơn vị khác, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận thẳng thắn, cơ chế tự chủ tài chính đang áp dụng chỉ dừng ở mức cơ sở KCB tự chủ chi trả lương tăng thêm và các khoản phụ cấp khác; nhiều vấn đề có liên quan lại không được tự quyết, tự chủ như vậy chẳng khác nào tự chủ… nửa vời. Nó giống như con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, đi làm có lương, nhưng trừ khoản ăn uống ra, muốn mua sắm cái gì cũng phải quay lại xin ý kiến cha mẹ! Như vậy thì để cha mẹ nuôi chứ trưởng thành để làm gì?
Cơ hội đi kèm thách thức
Cuối tháng 3.2019, Bệnh viện Mắt được phê duyệt phương án tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định 85 và Nghị định 16. Giám đốc Bệnh viện Mắt Nguyễn Thanh Triết chia sẻ: “Giai đoạn 2016 - 2018, chúng tôi đã bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, đạt tới 114% kế hoạch. Thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, ngoài tự chủ về tài chính, chúng tôi sẽ được tự quyết thực hiện nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, nhân sự theo đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức được duyệt”.
Lý giải việc chậm triển khai thực hiện tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, nhiều lãnh đạo bệnh viện do dự khi văn bản quy phạm pháp luật về tự chủ toàn bộ chi thường xuyên chưa thống nhất, hướng dẫn thực hiện chưa đầy đủ. Nhưng, nguyên nhân chính là “điểm nghẽn” khi nguồn thu dịch vụ KCB hiện phụ thuộc rất nhiều vào KCB BHYT. Với quy định giao dự toán KCB BHYT, rườm rà trong thủ tục và thời gian thanh toán chờ đợi cả năm trời chỉ có những cơ sở KCB đủ tiềm lực thu hút điều trị dịch vụ, mới dám triển khai tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên; ngược lại các cơ sở KCB ở miền núi, bệnh viện chuyên khoa Lao, Tâm thần không có nguồn thu dịch vụ rất khó xoay trở.
“Chưa kể, hiện nhiều quy định của Nghị định 85, 16 đã không còn phù hợp, trong đó vướng nhất là chưa có danh mục định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công của ngành Y tế. Tuy nhiên, sau khi Bệnh viện Mắt mở lối tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động thường xuyên, BVĐK tỉnh đã trình phương án lên Sở, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đối với BVĐK khu vực Bồng Sơn, TTYT TX An Nhơn, tiến tới tất cả cơ sở KCB đều thực hiện”, ông Hùng cho hay.
MAI HOÀNG