Khởi động chương trình thúc đẩy phát triển điện Mặt Trời mái nhà
Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ở mức 6,5% tổng cơ cấu nguồn vào năm 2020 và 10,7% vào năm 2030; tiết kiệm năng lượng 10% trong tổng mức tiêu thụ điện vào năm 2020.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo khởi động "Chương trình thúc đẩy phát triển điện Mặt Trời mái nhà tại Việt Nam" do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương tổ chức ngày 25.7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hệ thống Điện mặt trời áp mái được lắp đặt và đưa vào sử dụng tại nhà làm việc Tổng Công ty Điện lực miền Trung. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Tiến sỹ Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết Chính phủ ngày càng nhận thức rõ vai trò của năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Chương trình năng lượng phát thải thấp (V-LEEP) là chương trình giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai khung chính sách cho phép hỗ trợ đạt được những mục tiêu tham vọng này, đồng thời, thúc đẩy hợp tác tư nhân để đẩy mạnh giải pháp đầu tư năng lượng sạch.
Cụ thể, V-LEEP sẽ phối hợp với đơn vị phát triển dự án, nhà đầu tư và tổ chức tài chính, để tăng cường mức độ sẵn sàng đầu tư dụ án, tiếp cận nguồn tài trợ, nâng cao năng lực kỹ thuật, tài chính địa phương...
Đặc biệt, V-LEEP cũng hợp tác với Cục Điều tiết Điện lực để thúc đẩy quá trình áp dụng Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA), đẩy mạnh sức mua của những tập đoàn lớn, mở rộng thị trường năng lượng tái tạo.
Theo ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua V-LEEP, đơn vị này sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hướng đến hài hòa Chiến lược quốc gia, luật, chính sách và quy định, nhằm khuyến khích phát triển năng lượng sạch hiệu quả về mặt chi phí.
Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
V-LEEP phối hợp Bộ Công Thương trong hoạt động chuyển đổi thị trường điện Việt Nam trở nên xanh và bền vững hơn thông qua nhiều cách thức tiếp cận công cụ chính sách, cũng như sử dụng phương pháp phân tích số liệu hiện đại.
Đơn cử, chương trình nhân rộng số lượng hệ thống điện Mặt Trời áp mái tại Việt Nam sẽ được tập trung triển khai thông qua những hoạt động cụ thể như xây dựng bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm dịch và thử nghiệm dành cho hệ thống lắp đặt điện Mặt Trời áp mái; đào tạo và cấp chứng chỉ cho bên lắp đặt điện Mặt Trời áp mái.
Trước đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển điện Mặt Trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025. Chương trình hướng đến mục tiêu hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện Mặt Trời trên mái nhà tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp Việt Nam tiêu thụ khoảng 50% tổng nguồn lực năng lượng cả nước, do đó, việc tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành này là ưu tiên hàng đầu về an ninh năng lượng./.
Theo Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)