Ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho dân
Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại cuộc họp bàn biện pháp ứng phó với hạn hán, do UBND tỉnh tổ chức ngày 25.7 tại TP Quy Nhơn.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện có 13.130 hộ với khoảng 54.800 người dân ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, TX An Nhơn bị thiếu nước sinh hoạt. Nắng hạn cũng đã làm cho 481 ha lúa ở Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn… chết và 4.064 ha cần từ 4 - 6 đợt tưới.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình thiếu nước sinh hoạt tại các xã: Phước Thuận (huyện Tuy Phước), Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) và Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn), chiều 25.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã triệu tập cuộc họp khẩn, yêu cầu ngành chức năng tăng cường các biện pháp ứng phó với hạn.
Theo ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giải pháp tốt nhất để giải quyết nước sinh hoạt cho người dân ở những vùng không thể khai thác nước ngầm là hỗ trợ vận chuyển nước sạch từ các nhà máy nước đến cấp cho dân, với định mức hỗ trợ tối thiểu là 50 lít/hộ/ngày.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, CA tỉnh, cho hay: “Ngày 26.7, CA tỉnh điều động 2 xe chở nước đến xã Phước Thuận và 1 xe đến xã Mỹ Chánh để cung cấp cho người dân. Tùy thuộc vào địa hình và yêu cầu của địa phương, chúng tôi sẽ điều động thêm xe”.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các đơn vị phải tăng cường các biện pháp ứng phó với hạn hán, trong đó ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho dân. Trước mắt, CA tỉnh duy trì hoạt động vận chuyển nước sạch để cấp cho người dân xã Phước Thuận, Mỹ Chánh trong thời gian 10 ngày. Các huyện phải chuẩn bị bồn chứa nước, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận nước sạch cung cấp cho người dân, không để xảy ra tình trạng tranh giành nước. Ở những vùng có điều kiện đóng giếng lấy nước ngầm thì phải làm ngay, nếu thiếu kinh phí tỉnh sẽ hỗ trợ, không nên để dân dùng nước mặt vì không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương chỉ đạo các nhà máy nước mở thêm mạng lưới đường ống để dẫn nước phục vụ nhân dân.
Đối với diện tích lúa thiếu từ 1 - 2 đợt tưới thì cố gắng bơm nước cứu lúa, diện tích thiếu từ 4 - 6 đợt tưới thì vận động người dân bỏ và hỗ trợ thiệt hại cho dân. Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để ứng phó với hạn hán, địa phương nào thiếu thì báo cáo tỉnh để xem xét hỗ trợ.
Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp các sở, ngành, chính quyền các địa phương lập hồ sơ và tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tại vùng thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt trình UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tổng hợp tình hình thiệt hại do hạn hán gửi UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT.
PHẠM TIẾN SỸ