Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27.7.1947 - 27.7.2019):
Chuyện về một liệt sỹ đặc biệt
Nguyễn Văn Hồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình sớm có truyền thống yêu nước và cách mạng ở xã Nhơn Mỹ, cái nôi cách mạng của huyện An Nhơn (nay là thị xã). Ông nội tham gia lực lượng tự vệ sắt, khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu cách mạng 1945 ở làng Đại Bình, tổng Mỹ Đức, nay là xã Nhơn Mỹ. Cha là cán bộ trong kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc, mẹ làm cơ sở hợp pháp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng.
Chưa được mười tuổi, anh Hồng đã chứng kiến cảnh chính quyền Sài Gòn đàn áp, khủng bố cực kỳ dã man những người kháng chiến cũ; những người có tư tưởng tiến bộ đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà; gia đình có chồng con đi tập kết (trong đó có gia đình anh). Lòng căm thù giặc và ý chí cách mạng sớm nung nấu trong anh từ thuở thiếu thời.
Vì nhà nghèo, lại bị kẻ thù o ép nên anh chỉ học xong tiểu học, đành phải ở nhà phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Đầu năm 1965 bắt đầu tham gia cơ sở hợp pháp, làm du kích mật, đến tháng 1.1968 bị địch bắt giam ở nhà lao Quy Nhơn, sau một năm ra tù về tiếp tục hoạt động bí mật, chưa được nửa năm anh lại bị bắt lần thứ hai, chịu bao cực hình tra tấn trong nhà tù. Cuối năm 1969, anh ra tù và tiếp tục tham gia du kích mật, đến tháng 4.1970 được giao trọng trách Xã đội trưởng Nhơn Mỹ, chiến đấu dũng cảm.
Qua một thời gian thử thách, Nguyễn Văn Hồng được đứng vào hàng ngũ chiến đấu của Đảng từ tháng 1.1971. Đây là giai đoạn phong trào cách mạng phát triển khá mạnh, nhưng đối phương cũng phản kích dữ dội, nhất là dùng thủ đoạn đánh phá cơ sở của ta hết sức thâm độc, bằng kế hoạch “Tam giác chiến”, đó là: du kích chiến, tình báo chiến, tâm lý chiến, gây cho ta nhiều tổn thất.
Sau chiến dịch mùa Hè đỏ lửa 1972, thực lực cách mạng lớn mạnh, địch ra sức phản kích, đánh phá quyết liệt hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Tháng 7.1972, trong khi đang chỉ huy du kích chống địch càn quét, anh Hồng bị thương rất nặng, nhiều mảnh đạn găm vào cơ thể, có một mảnh đạn nằm trong đốt sống cổ.
Lúc đưa anh đi cấp cứu ở trạm xá dã chiến, từ bác sỹ, y tá đến anh em đồng đội có mặt khi giải phẫu đều nghĩ là anh sẽ không qua khỏi, bởi thương tích quá nặng mà cơ sở vật chất của trạm xá vô cùng khó khăn, trang thiết bị y tế để phẫu thuật rất thiếu thốn. Điều trị ở trạm xá huyện hơn hai tháng, sức khỏe dần hồi phục, sau đó anh được nghỉ dưỡng ở trạm điều dưỡng thương binh tỉnh. Tháng 8.1974, được ra miền Bắc tiếp tục điều trị và an dưỡng cho đến ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.
Tháng 10.1975, anh về lại quê hương, sức khỏe yếu dần không thể lao động nặng nhọc, ruộng vườn và mọi công việc trong nhà đều phó thác hết cho vợ con. Theo cơ quan chính sách hướng dẫn, anh làm hồ sơ đề nghị khen thưởng, được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Đồng thời làm thủ tục xin giám định thương tật, kết quả giám định mất khả năng lao động 62%, xếp loại thương binh hạng 2/4.
Ngày qua ngày, anh Hồng sống chung với thương tật, khi còn trẻ sức đề kháng tốt thì những vết thương ít hành hạ, đến lúc tuổi cao sức yếu thì di chứng chiến tranh càng đau đớn, nhất là mỗi khi trái gió trở trời. Đi bệnh viện bác sỹ cho chụp phim xác định mảnh đạn xuyên qua đốt sống cổ nhưng không thể phẫu thuật được, tứ chi ngày càng liệt dần và teo tóp, nằm một chỗ, không tự sinh hoạt, ăn uống, khi cần nói phải ra dấu. Giữa năm 2009, anh đã ở tuổi 62, sức khỏe quá yếu, lên cơn sốt liên tục, gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Nằm bất động trên giường bệnh, một số đồng chí nguyên lãnh đạo huyện thời kháng chiến và bạn bè đồng đội năm xưa đến thăm, động viên, an ủi. Quá bức xúc về tình hình sức khỏe của anh Hồng đến mức nguy cấp, họ đã gõ cửa từng cơ quan chức năng và thiết tha đề nghị hội đồng Giám định Y khoa giám định thương tật tại giường bệnh. Hội đồng Giám định Y khoa tiến hành khám lâm sàng, làm tất cả các xét nghiệm và đi đến kết luận: “Do vết thương vùng cổ, nhiều dị vật chèn ép gây hẹp cổ. Di chứng liệt tứ chi, rối loạn cơ vòng không đi lại được”.
Từ kết luận ấy, Hội đồng Giám định Y khoa đã quyết định nâng hạng thương binh, từ hạng 2 lên hạng 1, tỷ lệ thương tật 96% cho anh Hồng. Tỷ lệ này là mức cao nhất so với anh em thương binh trong toàn thị xã lúc bấy giờ và cũng là trường hợp đặc biệt, hạn hữu.
Sau khi có kết quả giám định lại, ngày 12.9.2009, anh Hồng xuất viện về nhà trong tình trạng hôn mê và sống thực vật, nằm liệt giường chờ chết, mọi sinh hoạt hàng ngày từ vệ sinh cá nhân, đến ăn uống đều do vợ con trợ giúp, thầy thuốc đến nhà thăm khám và thuốc thang hàng ngày. Nhờ sự chăm sóc tận tình của người thân, sự quan tâm của cơ quan chính sách, các y bác sỹ và thường xuyên thăm hỏi, động viên của đồng đội cũ nên cuộc sống kéo dài thêm được 3 năm 7 tháng. Ngày 12.4.2013, thương binh nặng Nguyễn Văn Hồng đã trút hơi thở cuối cùng trên tay chị Bùi Thị Phú, người bạn đời không rời anh nửa bước, luôn gần gũi, chia sẻ nỗi đau về thể xác và chăm sóc anh suốt những tháng ngày anh phải sống chung với thương tật.
Lễ tang thương binh nặng Nguyễn Văn Hồng được tổ chức trọng thể, chu đáo theo nghi thức lễ tang một cựu chiến binh. Ngoài người thân trong gia đình, tộc họ, khách đến thăm viếng, phúng điếu và chia buồn cùng gia đình rất đông, có cả lãnh đạo UBND thị xã, Phòng LĐ-TB&XH, các ban ngành, đoàn thể của xã Nhơn Mỹ và đông đủ bạn bè, đồng đội chiến đấu năm xưa.
Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh (cũ) về ưu đãi người có công, thì anh Nguyễn Văn Hồng chết trong trường hợp do vết thương nặng tái phát, được cơ sở y tế xác nhận, cơ quan chức năng xác minh thẩm định, công nhận là liệt sỹ. Ngày 20.12.2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Nguyễn Văn Hồng. Chính sách thương binh binh - liệt sỹ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong trường hợp đặc biệt, hiếm có.
Như vậy, song thân của anh Hồng là cụ Nguyễn Văn Tố và Đặng Thị Sanh có hai người con trai là liệt sỹ: Nguyễn Văn Hồng và em ruột là Nguyễn Văn Hà (chiến sỹ Huyện đội An Nhơn hy sinh ở Núi Bà, Phù Cát năm 1974). Các cấp có thẩm quyền đang xem xét truy tặng danh hiệu cao quý cho cụ bà Đặng Thị Sanh là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là một trong những gia đình cách mạng tiêu biểu của thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ anh hùng.
TRẦN DUY ĐỨC