Những bản “di chúc” thiêng liêng của người lính nơi Thành Cổ Quảng Trị
Những dòng thư thời chiến mà những người lính gửi về cho gia đình được cất giữ nâng niu nơi Thành Cổ, ai đọc cũng nghẹn ngào.
Những ngày tháng 7 lịch sử, hàng nghìn lượt người tìm về Thành Cổ Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ. Nhiều người nghẹn ngào xúc động khi nhìn thấy những kỷ vật giản dị của người lính. Những dòng thư thời chiến mà các anh gửi về cho gia đình được cất giữ nâng niu nơi Thành Cổ, ai đọc cũng nghẹn ngào.
Hướng dẫn viên tại Thành Cổ Quảng Trị thuyết minh cho du khách đến tham quan, thăm viếng.
“Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột...
Mẹ kính mến! Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời...”
Đó là những thư mộc mạc của người lính, được viết trước ngày hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Bao nhiêu người đến Thành cổ này đều rơi nước mắt khi tưởng nhớ các anh. Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh viên năm 4, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình được đồng đội tìm thấy trong ba lô vào ngày anh hy sinh và được cất giữ đến hôm nay. Bức thư chứa đựng biết bao tâm tư tình cảm của người lính với nhiều hoài bão đành gác lại phía sau, và sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Đông đảo người dân, du khách đến thăm viếng tại Thành Cổ Quảng Trị trong những ngày tháng 7.
Cũng chính nhờ bức thư này mà gia đình đã tìm được hài cốt của anh sau 30 năm không rõ tung tích (1972- 2002). Điều kỳ lạ là trong bức thư viết trước ngày mất, anh Lê Văn Huỳnh đã dự cảm chính xác ngày 02.01.1972 anh sẽ hy sinh. Anh Huỳnh còn ghi rõ thời gian mất, địa điểm nơi mình nằm xuống. Ngày anh hy sinh cũng là tròn 1 năm ngày anh cưới chị Đặng Thị Xơ, ở quê nhà Thái Bình. Năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Quảng Trị, bức thư được gia đình trao tặng cho Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
“Khi đến đây, tôi cảm thấy rất hài lòng khi chúng ta đã giữ lại được những kỷ niệm của những anh hùng liệt sĩ và được các nhân viên Ban quản lý nghĩa trang thuyết minh để chúng tôi được hiểu rõ những câu chuyện xảy ra trong chiến tranh. Cảm nhận đau thương vô hạn, không bao giờ tôi quên được những bức thư đó và đồ vật kỷ niệm của các anh hùng liệt sĩ ở nơi này”, bà Đậu Thị Liên, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nghẹn ngào khi đọc những dòng tâm thư của các liệt sĩ.
Những bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị.
Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị đang trưng bày nhiều lá thư được tìm thấy trong các cuộc quy tập hài cốt liệt sĩ. Những bức thư như những bản “di chúc” thiêng liêng của liệt sĩ gửi lại cho người thân. Lá thư và những kỷ vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng, sinh năm 1944, quê ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An rất đỗi linh thiêng. Nhờ lá thư và kỷ vật này mà sau 30 năm anh hy sinh, người con trai duy nhất của liệt sĩ Lê Binh Chủng mới tìm được tung tích của người bố.
Còn nhớ cuối năm 2002, trong lúc thi công hệ thống thoát nước công trình xây dựng phục chế Thành cổ, công nhân đã phát hiện 5 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong đó, 4 người không xác định được tên tuổi, quê quán vì không có giấy tờ trên người. Riêng bộ hài cốt của liệt sĩ Lê Binh Chủng có nhiều giấy tờ được bọc kỹ bằng gói ni lông, bao gồm: Một quyển nhật ký, trong đó một nửa ghi chép công việc, một nửa dành cho gia đình, và một số vật dụng tư trang khác.
Bà Nguyễn Thị Thoa, quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khi nhìn những kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ được trưng bày tại Thành Cổ Quảng Trị không kìm nén được nghẹn ngào.
“Khi nghe được câu chuyện đào hầm tìm thấy được bức thư của các anh hùng liệt sĩ, sau đó người vợ của anh dẫn con về, gia đình bắt đầu nhận được người nhà, tôi rất cảm động, tự nhiên không kìm được nước mắt. Có những bức thư đó, nhiều gia đình mới được gặp nhau, được nhận con cái và được Tổ quốc ghi công”, bà Nguyễn Thị Hoa nói.
Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị bây giờ còn lưu giữ những hình ảnh và hiện vật minh chứng cho cuộc chiến kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý di tích Thành Cổ Quảng Trị cho biết, công tác bảo quản, giữ gìn những kỷ vật tại Thành Cổ Quảng Trị, đặc biệt là những lá thư thời chiến rất quan trọng.
“Bảo tàng Thành Cổ đang trưng bày 2 di vật, thứ nhất là di vật của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, bức thư viết bằng dự cảm, thứ 2 là di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng. Đó là 2 di vật tiêu biểu đi vào lòng người. Đến với Thành Cổ, 2 di vật liệt sĩ đó phải được nhắc đến và thuyết minh hướng dẫn ở đây phải làm tròn nhiệm vụ này”, bà Cáp Thị Thiên Trang cho biết.
Những bức thư thời chiến với những dòng chữ đã nhạt nhòa được cất giữ cẩn thận tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị đã làm không biết bao người phải rơi nước mắt. Từng câu, từng chữ trong thư thật giản dị nhưng nhưng đó là lời nói từ trái tim của những người lính sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc, hòa bình của dân tộc./.
Theo Thanh Hiếu (VOV)