Ghen tuông và tội ác
Từ chuyện tình cảm lứa đôi không như mong muốn, nhiều người, nhất là người trẻ đã sử dụng bạo lực để níu kéo bất chấp pháp luật. Những hệ lụy đau lòng xảy ra là hậu quả của sự ghen tuông mù quáng, việc giáo dục pháp luật, kỹ năng sống chưa được chú trọng.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Phan Thanh Hòa cùng đồng bọn về tội giết người mà nguyên nhân xuất phát từ việc ghen tuông.
Phạm tội vì ghen
Mới đây, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Hòa (SN 1994, Phù Cát) 19 năm tù giam về tội giết người. Nạn nhân của bị cáo Hòa cùng đồng bọn không phải ai xa lạ, chính là anh họ của người yêu Hòa. Tại phiên tòa, bị cáo Hòa thừa nhận hành vi của mình là nông nổi, sai trái và rất ân hận, song tất cả cũng chỉ vì quá yêu: “Bị cáo muốn tái hợp, không muốn chia tay nên mới có ý nghĩ dùng bạo lực để đe dọa người yêu cùng gia đình cô ấy để mong được hàn gắn… Bị cáo cứ nghĩ phải làm mọi cách, từ năn nỉ đến bạo lực, thì có lúc sẽ lôi kéo được tình cảm của cô ấy”. Chính sự suy nghĩ lệch lạc này, Hòa đã đến nhà người yêu gây sự, đôi co, dẫn đến mâu thuẫn, Hòa đã dùng dao đâm chết anh họ của người yêu. Kết cục này cũng là dấu chấm hết cho 6 năm yêu thương mặn nồng và Hòa sẽ đối mặt với những tháng ngày trong nhà giam với sự ân hận, ray rứt.
Một câu chuyện khác, cũng xuất phát từ quan hệ tình cảm với Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nên giữa Phan Xuân T. và Hồ Bảo Quốc (SN 1988, Vân Canh) nảy sinh mâu thuẫn. Sau nhiều lần T. đến nhà trọ của Nguyệt (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) để tìm đánh Quốc thì bị Quốc đánh lại gây thương tích 64%. Là bị hại song cũng là người khơi nguồn hậu quả, T. hối hận: “Nếu như tôi không vì ghen tuông vô lối thì sẽ không có mâu thuẫn và Quốc cũng sẽ không phải lãnh án 7 năm tù giam”.
Chia sẻ của T. sau phiên tòa làm tôi chợt nhớ đến một phiên tòa khác. Trong quá trình tìm hiểu, nhận thấy không thể tiến xa hơn nên Nga quyết định chia tay Tùng. Cố níu kéo, thuyết phục không được, trong cơn tức giận, thiếu kiềm chế, Tùng đã lao tới, đè Nga xuống, khống chế và dùng dao lam rạch hai bên mặt của cô, cốt để làm cô xấu hơn. Theo giám định của hội đồng y khoa, với hai vết sẹo dài trên má, Nga bị tổn hại 15% sức khỏe. Phiên đối chất giữa bị cáo và bị hại diễn ra không căng thẳng vì không ai muốn chuốc thêm phiền toái. Từng là đồng nghiệp, từng có cảm tình với nhau, nhưng giờ họ khó có thể nhìn thẳng vào mặt nhau được nữa. Đứng trước hội đồng xét xử và trước người mình đã từng yêu thương, Tùng ngập ngừng: “Cũng vì tình yêu vị kỷ mà tôi đã không thể giữ lại được những gì đẹp đẽ mình đã có với nhau. Giờ tôi chỉ còn biết xin lỗi em…”.
Bình tĩnh để hành xử có văn hóa
Trên thực tế, việc ghen tuông là một tâm lý rất bình thường của con người. Nhưng trong tình huống phải chia tay, người trong cuộc cần giữ bình tĩnh để cư xử có văn hóa, đúng mực, đặc biệt là không vi phạm pháp luật. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Phan Thanh Hòa cùng đồng bọn về tội giết người cho rằng: “Nguyên nhân xảy ra các vụ án ghen tuông là do một số người, nhất là người trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng sống; coi nhẹ giá trị đạo đức cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, sống vị kỷ và khi xảy ra xung đột đã bộc phát thành bạo lực, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Để đấu tranh, hạn chế loại tội phạm này cần phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức và tuyên truyền pháp luật cho mọi đối tượng. Có như vậy, mỗi người sẽ phải tìm cách hành xử phù hợp, chuẩn mực hơn. Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đặng Thành Trung chia sẻ: “Trong thực tế, nhiều đối tượng sau khi gây án cho chính người mình yêu, người cùng chung sống để trả thù, lúc bình tâm lại mới thấy được tội ác mình gây ra và ân hận. Do vậy, mỗi người phải biết tự kiềm chế, ứng xử đúng mực trước mọi vấn đề của cuộc sống, tránh để rơi vào trạng thái bộc phát, gây ra những hậu quả khôn lường cho người khác cũng như với chính bản thân mình”.
KIỀU ANH