Giá heo giảm sâu, người chăn nuôi lao đao
Hơn một tháng trở lại đây, do tác động “dây chuyền” từ dịch tả heo châu Phi, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh giảm sâu và kéo dài, trong khi chi phí đầu vào chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao, khiến người chăn nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn.
Nhiều ngày qua, bà Nguyễn Thị Điểu, chủ trang trại chăn nuôi heo ở thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân đã cắt giảm khẩu phần ăn của đàn heo.
Do tác động của dịch tả heo châu Phi, nhu cầu và sức mua trong nước cũng như xuất khẩu heo thịt qua một số nước như Trung Quốc, Campuchia... giảm mạnh, người chăn nuôi nhất là những chủ trang trại lớn thua lỗ nặng. Sau một thời gian dài vừa phải lo phòng chống dịch bệnh cho đàn heo 3.000 con, vừa phải nỗ lực tìm vốn để duy trì hoạt động trang trại, ông Nguyễn Hải Đảo, ở thôn Thạch Long, xã Ân Tường Tây hốc hác đi nhiều. Hôm gặp tôi, anh Đảo thở dài: “Chăn nuôi thời nay sao khó quá, dịch bệnh luôn rình rập, giá heo lên xuống thất thường, không biết đường nào mà lần. Hiện thương lái chỉ mua với giá chỉ từ 28.000 - 33.000 đồng/kg heo hơi. Cứ mỗi con heo xuất chuồng, bình quân tôi lỗ mất 1 triệu đồng, mỗi tháng tôi xuất chuồng khoảng 500 con heo thịt. Anh hình dung tôi mất nhiều đến cỡ nào. Trang trại của tôi hiện có 300 con heo nái đang thay nhau đẻ, nhưng giá heo con thấp, lại đang dịch bệnh nên ít ai mua, vậy là mình phải để lại nuôi, áp lực về chi phí đầu tư lại tăng thêm một nấc. Vừa lo phòng chống dịch, vừa lo kinh phí duy trì đàn heo, trả công cho người lao động, mệt đừ!”.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Điểu, chủ trang trại chăn nuôi heo ở thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, cho hay: “Năm trước, tôi luôn duy trì 40 con heo nái và 360 heo thịt, nhưng do giá heo thịt giảm sâu và khó bán, tôi đã giảm tối đa khẩu phần ăn cho heo, “siết” các chi phí đầu vào, đồng thời bán bớt heo kể cả heo nái. Hiện tôi chỉ nuôi 8 con heo nái và 120 con heo thịt. Cách đây mấy ngày, tôi đã bán thêm được một lứa heo thịt 20 con, mỗi con cũng lỗ 1 triệu đồng. Lỗ bạc mặt mà lo nhất vẫn là dịch tả heo châu Phi, nếu đàn heo mà bị nhiễm phải dịch bệnh này thì phải tiêu hủy cả đàn, lúc đó càng khổ hơn”.
Huyện Hoài Ân hiện có 300 nghìn con heo. Chăn nuôi heo là nghề chính và cũng là thu nhập chính của phần lớn người dân địa phương. Bởi vậy, khi giá heo giảm sâu, kéo dài, đời sống người dân bị ảnh hưởng rất nặng; càng nuôi nhiều heo thì tổn thất càng nặng. Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay: Để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan, chúng tôi đang hỗ trợ người chăn nuôi thuốc khử độc sát trùng, vôi; đồng thời khuyến cáo người dân không cho heo ăn thức ăn thừa, không tăng đàn và hạn chế phương tiện, người ra vào vùng bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh cấm các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa heo vào địa bàn Hoài Ân; đề nghị các ngân hàng thương mại một mặt khoanh giãn nợ cho người chăn nuôi heo, mặt khác tiếp tục cho họ vay vốn để đầu tư duy trì đàn heo.
Dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Nhiều tỉnh đã cấm nhập heo do lo ngại dịch bệnh lây lan; các cơ sở giết mổ heo cũng hoạt động cầm chừng vì sản phẩm tiêu thụ chậm. Vì vậy, giá thịt heo hơi ở tỉnh ta giảm mạnh và cũng khó tiêu thụ hơn trước đây. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để hạn chế dịch tả heo châu Phi lây lan, hỗ trợ người chăn nuôi khắc phục khó khăn, Sở NN&PTNT tiếp tục phân bổ thêm thuốc khử độc sát trùng, vôi cho các địa phương. Tiếp tục thực hiện vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y cho thị trường Đà Nẵng và các tỉnh khác, đồng thời trích ngân sách hỗ trợ cho người chăn nuôi. Ngày 22.7, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xem xét có ý kiến để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cơ cấu lại nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ, để giãn nợ và miễn giảm lãi suất đối với các chủ trang trại, gia trại, hộ gia đình trước đây đã vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi.
PHẠM TIẾN SỸ