Bình Thuận xây dựng nông thôn mới
“Trước đây Bình Thuận quê tui chẳng có gì/Nhìn đâu cũng chỉ thấy mì với lang/Hôm nay Bình Thuận đã sang/Có đập, có điện, có đàng bê tông/Nước về trên những cánh đồng/Bắp, ngô, dưa, đỗ, lúa mênh mông bạt ngàn” - đây là một phần của bài ca giới thiệu quê mình mà gần đây, đội văn nghệ xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn thường xuyên sử dụng khi biểu diễn phục vụ nhân dân, tham gia các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ trong huyện.
Một Bình Thuận đang đổi thay toàn diện, từ chỗ là một vùng quê nghèo, đời sống người dân chỉ dựa vào vài sào lúa bấp bênh phụ thuộc nước trời, nay nơi đây đã bạt ngàn đồng lúa, đậu phụng; những con đường bê tông thẳng tắp với hệ thống điện chiếu sáng lung linh như một góc phố nhỏ. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho hay, để có được kết quả đó, nhiều năm qua, xã đã nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là từ năm 2011, khi phát động nhân dân xây dựng nông thôn mới!
Ông Nguyễn Văn Bình, một người dân ở xã cho biết: “Các nội dung của công cuộc xây dựng nông thôn mới đều hướng tới phục vụ đời sống nhân dân, chính nhân dân phải là nhân tố then chốt, không trông chờ ỷ lại Nhà nước. Hiểu ra như vậy nên gia đình tôi tự nguyện tháo dỡ 70 m tường rào để hiến đất, chặt hạ 10 cây dừa đang cho trái và nhiều cây cối trong vườn để góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình làm đường giao thông nông thôn”.
Khi người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước thì mọi việc đúng là “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Ông Nguyễn Song Toàn, Bí thư Chi bộ thôn Thuận Nhứt khoe: “Khi chi bộ thôn vận động, người dân trong thôn đã đóng góp hơn 60 triệu đồng, cùng nhau làm nhà văn hóa thôn với hệ thống tường rào cổng ngõ, bàn ghế và hệ thống âm thanh đầy đủ để sinh hoạt, hội họp. Đường làng quê Thuận Nhứt mà như phố thị vì đêm đêm được thắp sáng bởi hơn 100 bóng đèn!”.
Từ năm 2011 đến nay, nhân dân Bình Thuận đã đóng góp 14 tỷ đồng, hơn 3.000 ngày công, hiến trên 7.000 m2 đất và hơn 5.000 cây cối các loại... để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, mở đường nông thôn ở địa phương. Nhờ đó bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt, hiện 98% số hộ dân ở đây đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Hơn 80% kênh mương nội đồng do xã quản lý được bê tông hóa. Đường trục liên xã đã bê tông hóa 100%, hầu hết đường trục thôn, xóm đã cứng hóa và bê tông hóa, 5/5 thôn có nhà văn hóa. Thu nhập đầu người hiện đạt 35,11 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,4% (năm 2010 là 23%). Dù Bình Thuận đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, nhưng từ đó đến nay, xã vẫn tiếp tục rà soát tất cả các tiêu chí, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí dễ bị biến động như: Thu nhập, môi trường. Nói về việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: Chắc chắn xã sẽ phát huy bài học “lấy dân làm gốc”, mọi việc sẽ tiếp tục phát triển khi mình bám theo nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, tiếp tục khắc sâu nguyên lý xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích của chính nhân dân.
ĐINH NGỌC