Nghề tháo dỡ nhà cũ
Tốc độ đô thị hóa ở tỉnh ta tăng nhanh, công trình, nhà cửa xây dựng, sửa chữa nhiều. Ðây là điều kiện để nghề tháo dỡ nhà, công trình cũ phát triển.
Nhóm thợ của ông Phạm Văn Tài đang tháo dỡ một ngôi nhà ở đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn.
Xây khó, phá cũng không dễ!
Giữa trưa hè nắng gắt với nhiệt độ lên đến 38 - 390C, nhưng nhóm thợ của ông Phạm Văn Tài (50 tuổi, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) vẫn miệt mài điều khiển máy khoan bê tông tháo dỡ một tòa nhà cao tầng ở đường Biên Cương (TP Quy Nhơn). Tranh thủ mấy phút nghỉ ngơi, anh Trần Ngọc Quang (38 tuổi, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Nhiều người gọi vui chúng tôi là đám chuyên đi phá nhà. Người ta hay nói, xây lên thì khó chứ phá bỏ thì dễ; chỗ nào không biết chứ như chúng tôi thì nhiều khi phá dỡ một ngôi nhà khó hơn xây lên nó. Thật vậy, xây thì từ từ mà lên, chứ phá thì thường rất gấp, các yếu tố rủi ro, nguy hiểm nhiều vô số. Đập phá, khoan cắt bê tông, chỉ cần sơ sẩy một chút là biết tay nhau ngay!”.
Nghề nào cũng có cái khó, cái khổ, cái nguy hiểm riêng, thợ tháo dỡ nhà không phải là ngoại lệ nên khi đã thành nghề, không mấy ai lại đi than thở về nghề của mình. Điều mà họ thường xuyên nói, tự nhắc nhở nhau là giữ gìn an toàn. “Tôi đã theo nghề gần 20 năm rồi, phần vì mưu sinh, phần vì đã quen việc, hiểu nghề biết cách thức giữ gìn nên dần dần cũng ổn” - anh Quang chia sẻ.
“Tôi theo nghề đã hơn 20 năm, từng chết đi sống lại nhiều lần do bị tai nạn trong lúc phá dỡ nhà. Lần nguy hiểm nhất là bị giật điện bất tỉnh, kế đó là bị đá rơi từ trên cao xuống trúng đầu lại bất tỉnh. Được cái, khi thạo nghề thì cũng biết những quy tắc an toàn. Hơn nữa, nghề này nay cũng được máy móc hỗ trợ rất nhiều. Có máy móc vừa nhanh, vừa an toàn, đỡ ghê lắm!” - anh Trương Thành Tín (40 tuổi, ở thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn, Tuy Phước) cho biết.
Ông Phạm Văn Tài bộc bạch: Khi nghĩ về một ngôi nhà mới, người ta thường chỉ nghĩ đến thợ xây, nhiều lắm là đến thợ sơn, thợ điện nước, không mấy người nhắc đến chúng tôi. Bây giờ mức độ phân công lao động ngày càng cao nên trừ những ngôi nhà quá nhỏ, còn lại thợ xây không làm công việc phá dỡ nữa. Thợ phá dỡ ngày càng trở nên quan trọng. Nhờ sự phân công như thế mà việc san ủi mặt bằng thi công, hố móng, hố trụ nhanh hơn, đạt yêu cầu kỹ thuật cao hơn; tiết kiệm thời gian thi công.
Rất nhiều nhóm thợ tháo dỡ nhà đánh giá cao sự hỗ trợ của máy móc. Trước đây cùng với sức người và những dụng cụ thô sơ (búa tạ, xà beng) loại máy móc phổ biến nhất chỉ là chiếc máy khoan bê tông. Vài năm gần đây, các thiết bị hỗ trợ phong phú hơn nhiều, như: đầu búa thủy lực, hàm cắt bê tông thủy lực, móc cẩu, kéo cắt phế liệu, ngàm đất… Cả Quy Nhơn theo chỗ tôi biết có khoảng 20 - 25 nhóm thợ tháo dỡ nhà, số lượng nhóm xê dịch không nhiều nhưng khả năng xử lý công việc thì tăng lên rất cao nhờ có máy móc hỗ trợ và số lượng thợ của mỗi nhóm cũng đông hơn. Vài năm trước, tiền công của thợ tháo dỡ nhà chỉ ở tầm 200 nghìn đồng/ngày, ngang hoặc thấp hơn thợ hồ một chút, nhưng nay thì khá hơn, lương của thợ thạo việc có thể lên đến 500 nghìn đồng/ngày.
Hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp
Ở TP Quy Nhơn, nói về thợ tháo dỡ nhà, được nhiều người tín nhiệm nhất là các nhóm: Văn Tài, Tấn Phương, Năm Hạnh, Tâm Mập… Mỗi nhóm có chừng 15 - 20 thợ, đây là những nhóm đa năng, có thể tháo dỡ được cả nhà cao tầng, cầu cống và những công trình ngầm đơn giản, tốc độ tháo dỡ cao, giá cả phải chăng.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, điều bất ngờ là chưa có nhóm thợ nào được đào tạo chuyên nghiệp. Đơn giản như các điều kiện an toàn lao động về cơ bản cũng là do họ tự chỉ bảo nhau, tự đúc kết và chia sẻ với nhau. Ngay cả nhóm thợ dày dạn kinh nghiệm như Văn Tài, Tấn Phương; từng đảm nhiệm nhiều công trình lớn như tháo dỡ Chợ Lớn Quy Nhơn, cầu Hà Thanh… vẫn không có sự góp mặt của các kỹ sư xây dựng. Ngay cả khi đã mua sắm thêm nhiều máy móc thì theo một số chuyên gia trong ngành xây dựng, họ vẫn thiếu nhiều trang thiết bị chuyên dùng, mà nếu có chất lượng cũng như tốc độ công việc sẽ khác hẳn.
Anh Nguyễn Tấn Phương (34 tuổi, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), chủ một nhóm thợ khoảng 20 người, tâm sự: Đến nay nghề phá dỡ nhà vẫn chỉ là nghề lao động phổ thông, chưa có một cơ sở nào đào tạo bài bản về nghề này. Các thợ phá dỡ nhà chủ yếu học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Bên cạnh đó, dù làm việc trong môi trường chìm ngập bụi bẩn, nhiều rủi ro nhưng hầu như chế độ bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động của thợ ít được quan tâm.
“Công việc nặng nhọc, nơi làm việc thì luôn chìm ngập trong bụi bẩn nên nhiều người bị mắc bệnh nghề nghiệp như run tay hay các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm xoang… Có người phải bỏ ngang việc vì phát bệnh sau mấy năm đi làm” - chị Đinh Thị Thanh Huyền (38 tuổi, xã Phước Sơn, Tuy Phước) cho biết.
Khi nhu cầu xây dựng nhà ở TP Quy Nhơn ngày càng tăng mạnh, thành phố chắc chắn sẽ cần tới những đơn vị chuyên phá dỡ công trình, và cao hơn nữa là sự ra đời của những DN đầu tư chuyên sâu trong lĩnh vực này, để từ đó hình thành một đội ngũ những đơn vị chuyên nghiệp. Có như vậy mới bảo đảm được các yêu cầu về hiệu quả kinh tế về tiến độ thực hiện, nhất là vấn đề an toàn.
HỒNG HÀ