Lớp nhạc của một cựu chiến binh
Réo rắt tiếng đàn, ríu rít lời con trẻ, cuộc sống như chậm lại êm ả, yên bình trong lớp học đàn guitar miễn phí của anh - cựu chiến binh Phạm Sáu (52 tuổi, ở KV 3, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn).
Thắp những đam mê
Nếu bạn thường xuyên đến nhà anh Phạm Sáu (52 tuổi, ở KV 3, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) bạn sẽ thường xuyên thấy gần như lúc nào quanh anh cũng có những đứa trẻ. Những âm thanh đôi khi ngân lên rời rạc, thỉnh thoảng là một khúc đàn mát dịu, một lời hát của những bé gái non nớt vang lên trong trẻo. Còn tôi, lần nào đến đây cũng thấy lòng mình dễ dàng reo vui với những ríu ran như thế.
Lớp học của cựu chiến binh Phạm Sáu.
Nhà anh Phạm Sáu cách trường THCS Bùi Thị Xuân chỉ vài chục bước chân. Giữa giờ, bọn trẻ thường tụm năm tụm bảy say sưa nghe anh đàn. Hơn ba năm trước, một bé gái trong đám “chích bông” ấy mở lời: “Bác ơi, bác có dạy đàn không? Bọn con muốn học ạ”. Anh gọi tụi nhỏ vào rồi bảo, các con thích học thì bác dạy cho, không lấy tiền đâu. Lớp học đàn của người cựu binh ấy bắt đầu như thế!
Đến nay, đã có hơn 70 em trong vùng được anh dạy đàn, nhiều em học lên cấp ba rồi vẫn theo lớp. Em Phạm Ngân Ngân (KV 8, phường Bùi Thị Xuân), học lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, chia sẻ: “Cháu theo bác Sáu học đàn từ cuối năm lớp 9. Được bác Sáu cho mượn đàn để học. Bác Sáu dạy rất dễ hiểu, lại nói chuyện rất vui, kể chuyện hay làm cháu cũng như nhiều bạn rất thích học đàn ở đây”. Anh Phạm Sáu tâm sự, mình phải hệ thống lại kiến thức, soạn bài giảng từ căn cơ đến chuyên sâu để hỗ trợ cho các em. Và chính bản thân mình cũng tự mày mò học thêm để bồi trúc kiến thức âm nhạc.
“Anh Phạm Sáu hiện là Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 3 của phường Bùi Thị Xuân. Anh luôn năng nổ, nhiệt tình trong công tác của địa phương cũng như phong trào của Hội, luôn giữ phẩm chất đáng quý của anh bộ đội cụ Hồ. Anh rất tích cực tham gia công tác từ thiện, vận động người dân ủng hộ các chương trình phục vụ dân sinh, dân ích. Ðặc biệt, lớp dạy nhạc miễn phí của anh là một địa chỉ tin cậy để các em học sinh tìm đến thỏa niềm đam mê âm nhạc của mình”.
Ông Trần Thanh Vui, Chủ tịch Hội CCB phường Bùi Thị Xuân
Lớp học của cựu chiến binh Phạm Sáu được nhiều phụ huynh ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Trâm, mẹ của em Ngân chia sẻ: “Anh Sáu dạy miễn phí lại còn rất nhiệt tình. Bọn trẻ không chỉ học đàn đâu, tôi thấy, có lẽ nhờ học đàn mà cháu Ngân và bạn bè cũng lễ phép, ngoan hơn đấy!”.
Từ lớp học này, nhiều em có thêm hiểu biết, được khơi dậy những mơ ước về âm nhạc. Qua hai năm gắn bó với lớp đàn của cựu binh Phạm Sáu, cô bé Lê Thị Diễm Quỳnh, học sinh trường THCS Bùi Thị Xuân đã có thể chơi nhiều bài nhạc guitar thành thạo, em tâm sự: “Khi biết đến lớp học của bác Sáu, cháu liền xin vào học. Cháu rất thích âm nhạc và tương lai muốn thi vào trường nhạc”.
Lớp học của sự sẻ chia
Hôm tôi đến thăm chơi, anh Sáu đang cặm cụi chỉnh sửa một cây guitar. Anh kể: Biết chuyện tôi làm, thỉnh thoảng bạn bè, người quen đến cho lại mấy cây đàn cũ. Mình chịu khó dặm vá, chỉnh sửa lại cho tụi nhỏ nó chơi chứ nhiều đứa mê đàn mà không có điều kiện mua… Quanh đây bố mẹ của lũ trẻ chủ yếu là công nhân tại các nhà máy trong khu công nghiệp, lao động đơn giản, tiền mua đàn là một khoản lớn. Âm nhạc có khả năng giáo dục và định hướng rất tốt, nên nghe bọn trẻ muốn học đàn, tôi rất thích.
Lời anh Phạm Sáu kể khiến tôi nhớ đến T. một thiếu niên có hoàn cảnh gia đình khá buồn, bố mẹ ly hôn, T. phải nghỉ học giữa chừng. Hằng ngày, T. ra ngã ba Diêu Trì phụ bán quán nhậu. Khuya về, T. lại đến nhà bác Sáu học đàn. Buổi dạy ấy chỉ có hai thầy trò nhưng không hề thiếu ấm áp. Âm nhạc luôn tạo nên những điều kỳ diệu giản dị thật khó cắt nghĩa. Người lính già Phạm Sáu tâm sự: Trước có cô nhỏ thích học đàn lắm, cô ấy tự đến gặp tôi trình bày, con muốn học đàn nhưng con không tiền mua đàn, ba con làm công nhân, mẹ con làm ruộng, con biết thầy dạy không lấy tiền, nhưng không có đàn thì học có được không thầy. Tôi nghe em kể vừa thương vừa tức cười, học đàn mà không có đàn thì làm sao được hả con? Đàn đây, bác cho con mượn về tập, giữ cho khéo con nhé, để các em sau còn có cái dùng. Trước đây tôi chỉ chơi đàn để thư giãn thôi. Từ khi dạy cho lũ trẻ, tôi lại nghĩ, trẻ con, nếu ngay từ bé mà được chỉ bảo nhiều về âm nhạc, có lẽ lớn lên dễ thành người lương thiện. Như trường hợp của T. chẳng hạn. Ở vào hoàn cảnh như thế nhiều thiếu niên sẽ lông bông, sinh hư, nhưng ít ra đến giờ từ khi yêu đàn, thằng bé rất đàng hoàng.
Tấm lòng thảo thơm, chân thành của cựu chiến binh Phạm Sáu góp phần giúp khu dân cư nơi anh ở thêm nhiều khoảnh khắc đáng yêu, lung linh một vẻ đẹp bình dị.
VĂN PHI