Hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Chuyển biến tích cực , giàu tính thực tiễn
Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh năm 2019, diễn ra từ ngày 23 - 26.7 có sự tham gia của 26 giáo viên đến từ 3 trường cao đẳng nghề và 9 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (GDTX) trong tỉnh, dự thi ở 7 nhóm ngành nghề: Kỹ thuật, dịch vụ - du lịch, nông lâm nghiệp, nghệ thuật biểu diễn, sản xuất và chế biến, công nghệ ô tô, trắc địa.
Đáp ứng yêu cầu cao hơn
Điểm mới của Hội giảng là không giới hạn số nghề đăng ký dự thi, nhà giáo chỉ thực hiện trình giảng, không kiểm tra nhận thức và xử lý tình huống sư phạm. Các bài giảng gồm lý thuyết, thực hành, tích hợp (đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp ở khối trường) và tích hợp (đối với nhà giáo dạy sơ cấp ở khối trung tâm), mỗi nhà giáo phải chuẩn bị cả 3 bài giảng trên và bốc thăm chọn ra 1 bài thi chính thức tại Hội giảng. Bên cạnh đó, việc đánh giá được thực hiện ngay sau khi nhà giáo hoàn thành phần trình giảng, các giám khảo chỉ ra những mặt mạnh cũng như hạn chế trong tiết giảng của mỗi giáo viên, các bài giảng đều được đánh giá độc lập, khách quan theo từng tiêu chí đã quy định trong phiếu đánh giá. Quy định mới với yêu cầu cao hơn, tuy vậy, đại đa số giáo viên tham gia đã đáp ứng tốt. Điểm đáng ghi nhận nữa là, khối các trung tâm GDNN - GDTX đã chọn cử nhiều nhà giáo trẻ lần đầu tham gia và có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ (trẻ nhất là giáo viên Nguyễn Thị Hoang, 25 tuổi, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, với bài giảng Thao tác chẩn đoán bệnh Newcatsle ở gà bằng phương pháp mổ khám).
26 giáo viên tham gia Hội giảng nhận chứng nhận Nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các cơ sở GDNN đã lựa chọn, mang tới nhiều bài giảng có nội dung sát với thực tế sản xuất và công nghệ mới. Phần lớn bài giảng, nhất là ở khối trường đã chuẩn bị kỹ hồ sơ bài giảng, việc soạn và dạy đều bảo đảm tính hệ thống của chương trình, hệ thống kiến thức, có tiêu chí đánh giá kết quả của người học; thiết bị, dụng cụ và đồ dùng dạy học không những được chuẩn bị đủ, kỹ mà còn có nhiều đồ tự làm…
Bên cạnh chất lượng nội dung các bài giảng, cách thức truyền dạy sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú cho người học là nét mới đáng ghi nhận. Với bài giảng Pha chế món cocktail Around the world (thuộc nhóm ngành nghề dịch vụ - du lịch), loại giáo án thực hành, tiết giảng của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn trôi qua nhanh trong sự nhẹ nhàng, cuốn hút. Ở đó, vai trò và hình ảnh, phong thái là sự kết hợp, chuyển đổi linh hoạt giữa một người giáo viên và một nhân viên pha chế chuyên nghiệp. Những học trò của cô Hiền làm khán giả tại Hội giảng cho biết, họ thấy thú vị hơn khi các video clip hướng dẫn việc pha chế không phải lấy nguồn từ trên mạng mà do chính cô giáo mình tự thực hiện. Các khâu đảm bảo vệ sinh, trình bày cũng rất được cô chăm chút, nhắc nhở học trò, kể cả những chi tiết nhỏ hưởng ứng xu hướng “sống xanh” như không sử dụng đồ nhựa, dùng ống hút bằng chất liệu thân thiện với môi trường, tự làm dụng cụ đựng muỗng, ống hút bằng tre… Hội giảng lần này đã xuất hiện nhiều tiết giảng sinh động, kết hợp hiệu quả giữa nội dung, hình thức bài giảng và cách thức truyền dạy như thế.
Thành công nhiều mặt
Theo Ban Giám khảo, hội giảng lần này cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong việc ứng dụng trang thiết bị và phương tiện dạy học hiện đại vào bài giảng. Tất cả bài giảng đều được sử dụng phần mềm powerpoint để hỗ trợ, thêm thu hút, đồng thời, giáo viên chú ý việc liên hệ thực tế gần gũi, dễ hiểu, mang tính giáo dục cao.
Đặc biệt, phương pháp giảng dạy có nhiều tiến bộ, đã sử dụng linh hoạt kênh ngôn ngữ, kênh trực quan, kênh hoạt động, kênh trải nghiệm, vừa có mô hình vừa có vật thật, vừa có vật liệu thật vừa có vật liệu thay thế. Chú trọng đưa lý thuyết về thực tiễn và huy động kinh nghiệm, vốn sống, các nhà giáo đã vận dụng, kết hợp hài hòa giữa phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học tích cực hiện đại, kết hợp hướng dẫn thực hành với giáo dục phẩm chất, tác phong nghề nghiệp. Theo PGS - TS Võ Nguyên Du (giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn), thành viên Ban Giám khảo Hội giảng, so với giáo dục phổ thông và cả cao đẳng, đại học vẫn còn mang nặng tính hàn lâm, thì việc kết hợp hiệu quả các kênh giáo dục như trên vào hoạt động GDNN là một ưu điểm lớn rất đáng ghi nhận.
Bế mạc Hội giảng, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận Nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh cho 26 giáo viên tham gia và khen thưởng 20 nhà giáo tiêu biểu. “Đây là đội ngũ có ảnh hưởng, lan tỏa lớn đến công tác đào tạo nhân lực nghề cho tỉnh”, bà Hồ Thị Phương Châm, Phó Trưởng phòng Việc làm và giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH, Trưởng Ban Giám khảo nhận định.
SAO LY