Tháng 7 này, bạn có về Tây Sơn?
Với nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, Tây Sơn là điểm đến thú vị cho những ai muốn tìm hiểu lĩnh vực này. Ðến Tây Sơn, bạn còn được biết nhiều điều thú vị về quê hương của ba anh em Tây Sơn, về người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ... Còn chần chừ chi mà bạn không thử một lần về với Tây Sơn?
Du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: VĂN LƯU
Điểm dừng chân đầu tiên khi đến Tây Sơn chính là Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong) - Di tích lịch sử cấp Quốc gia hiện trưng bày hơn 1.100 tư liệu, hiện vật liên quan đến người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Những hiện vật, tư liệu tại Bảo tàng sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ hơn về một phần lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Trong dòng chảy lịch sử, chúng ta đã được nghe nhiều, đọc nhiều và biết nhiều về vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Đứng trong khuôn viên Bảo tàng nơi có cây me cổ thụ, giếng nước ngày xưa, bạn sẽ thêm phần bồi hồi khi nghe kể chuyện xưa.
Bảo tàng Quang Trung và Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt - di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Từ Bảo tàng Quang Trung, khi dâng hoa, dâng hương lên Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, ghé thăm Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân, Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt tại Gò Lăng (Phú Lạc, Bình Thành)... tại bất cứ nơi nào bạn đến, chỉ cần gặp và gợi chuyện thì người dân địa phương sẽ kể bạn nghe về những điều thú vị của phong trào nông dân Tây Sơn với tất cả niềm tự hào. Câu chuyện được kể bởi một người địa phương thường giản dị và có nét lôi cuốn riêng.
Xin nhắc chừng bạn, đừng đến Tây Sơn chỉ để thăm Bảo tàng Quang Trung, chỉ để check-in danh thắng Hầm Hô, bạn nên dành thời gian khám phá vùng đất này trong toàn bộ chiều dài lịch sử và bề sâu văn hóa của nó; nên đọc trước về đất và người Tây Sơn để cảm nhận của bạn có cơ hội được thăng hoa khi rong ruổi trên đất này. Ở Tây Sơn có những điều rất giản dị nhưng có sức cuốn hút không ngờ.
Làng rau Thuận Nghĩa mộc mạc ven sông Côn.
Trong những lần về Tây Sơn, tôi thường tản bộ ven ngôi làng mộc mạc ven bờ sông Côn - làng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong), để hòa nhịp cuộc sống thôn quê. Trong nhiều câu chuyện họ kể tôi nghe đều dẫn dắt tới lịch sử gắn liền triều đại Tây Sơn. Kết thúc mỗi lần chuyện trò là lúc họ mời tôi ghé lại Tây Sơn vào mùa lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (mùng 4 - 5 tháng Giêng).
Đến Tây Sơn nếu chỉ nghe nói vài giờ ở Bảo tàng Quang Trung, chỉ kịp ghé qua vài điểm để chụp hình lưu niệm, bạn sẽ không kịp có những cảm xúc đặc biệt như tôi vừa kể. Phải đi Tây Sơn theo một cách khác, phải đủ thời gian để trải nghiệm nơi này, rồi bạn sẽ thấy cảm nhận của mình về vùng đất, con người và cả khí chất hào sảng, tinh thần thượng võ của người dân nơi đây. Cảm nhận đó thật sự là một “món hời” của tâm hồn.
Tây Sơn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là di tích lịch sử gắn với triều đại Tây Sơn. Song, du lịch trải nghiệm lịch sử ở Tây Sơn vẫn chưa được khai thác hợp lý bởi nhiều lý do. Một tour đi trọn vùng Tây Sơn thượng đạo (An Khê, Gia Lai) và Tây Sơn hạ đạo (huyện Tây Sơn, Bình Định) với những điểm gắn kết liên quan đến lịch sử của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, chắc cho bạn nhiều điều thú vị.
Một góc dân cư thị trấn Phú Phong nhìn từ bờ Nam sông Côn.
Bắt đầu từ TX An Khê - cái nôi của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn với di tích ngày nay gồm: An Khê Đình, An Khê Trường, Miếu Xà, Gò Chợ; tiếp đến di chuyển xuống huyện Tây Sơn (Bình Định) tìm những dấu nối với di tích của An Khê tại Bảo tàng Quang Trung, các địa danh gắn với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn tại đây; thưởng thức món “hambuger” của nghĩa quân Tây Sơn chính là bánh cuốn Tây Sơn, món dé bò nức tiếng. Ở Tây Sơn, ngoài các địa danh gắn với lịch sử, bạn có thể hòa mình vào cuộc sống thôn quê khi đi dọc bờ sông Côn, thăm làng rau Thuận Nghĩa, đi thăm các võ đường...
* * *
Tôi có một người bà con phía chồng ở Phú Phong, vào dịp Giỗ Vua hàng năm (29.7 âm lịch), mợ tôi đều tự tay làm mâm cỗ nhỏ rồi tự mình dâng lên Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Cuộc sống thường nhật, bộn bề lo toan được gác lại, những ngày đặc biệt đó trong tâm khảm của mỗi người dân Tây Sơn là náo nức, là sửa soạn, bày biện mâm cỗ dâng lên Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt với lòng thành kính.
Nói là mâm cỗ cho sang, chứ thực chất chỉ là chút quà quê với ít bánh ít, bánh ngọt và hoa quả. Trước Giỗ Vua, lần nào bà cũng điện thoại bảo tôi “con về ăn Giỗ Vua”. Với dân Tây Sơn, Giỗ Vua cũng ngang tầm quan trọng với giỗ ông bà tổ tiên. Tôi luôn lên sớm để kịp giờ theo mợ Ba vào Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt dâng lễ.
THU DỊU