Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh:
Cần những giải pháp mang tính đột phá
Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh có chuyển biến đáng ghi nhận. Các đề tài, dự án cấp tỉnh được thực hiện hàng năm đã góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn, bức thiết của các ngành, của tỉnh. Tuy nhiên, các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học của tỉnh vẫn còn dàn trải, nhỏ lẻ, chưa có những giải pháp mang tính đột phá.
Theo thống kê của Sở KH-CN, từ năm 2010 đến nay, có 51 đề tài, dự án nghiên cứu KHCN cấp tỉnh được triển khai thực hiện với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng, chủ yếu ở 6 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, y dược, nông nghiệp, xã hội, nhân văn. Các đề tài, dự án đã hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều đề tài, dự án trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế đã được ứng dụng và nhân rộng trong thực tiễn, góp phần giải quyết tốt những bức xúc trong sản xuất, trong nhiệm vụ của các ngành, mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc xây dựng, triển khai các đề tài, dự án cấp tỉnh còn nhiều bất cập. Mặc dù 6 lĩnh vực nói trên đều có các đề tài nghiên cứu được triển khai, nhưng số lượng tập trung nhất vẫn là ở 2 lĩnh vực: nông nghiệp (17 đề tài) và y dược (20 đề tài). Các lĩnh vực còn lại có rất ít đề tài được thực hiện. Cụ thể, khoa học nhân văn 2 đề tài, khoa học tự nhiên 3 đề tài.
Không chỉ có sự chênh lệch khá lớn, xét về hiệu quả chung, một số đề tài, dự án đa phần là ứng dụng công nghệ đã được nghiên cứu, rất ít đề tài thể hiện được tính mới. Đồng thời, nhiều đề tài tập trung vào chuyên môn sâu, chỉ nhằm giải quyết nhiệm vụ cụ thể của một số ngành, đơn vị nên khả năng nhân rộng không cao.
Mặt khác, một số ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp còn chưa chú trọng đầy đủ khâu nhân rộng kết quả nghiên cứu sau tổng kết, nghiệm thu đề tài, dự án nên hiệu quả ở một số đề tài còn hạn chế. Điển hình là các đề tài trong lĩnh vực y tế. Đa số các đề tài đều có đóng góp đáng kể vào việc đưa những kỹ thuật mới để nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh, song việc triển khai, nhân rộng kết quả nghiên cứu lại vướng nhiều khó khăn. Do đó, đa số các đề tài sau khi nghiệm thu chỉ được thực hiện tại đơn vị nghiên cứu và ít được triển khai nhân rộng ở các đơn vị cùng chức năng.
Ngoài ra, việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu còn khá dàn trải, kinh phí được cấp cho các đề tài, dự án còn thấp. Xét về quy mô và tác động, số lượng đề tài, dự án có quy mô lớn, có tác động đột phá đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh chưa nhiều. Mặc dù hàng năm đều có hơn 10 đề tài, dự án cấp tỉnh được phê duyệt nhưng số lượng các đề tài có thể tạo nên sản phẩm mới, tạo ra các sản phẩm chủ lực của tỉnh hầu như không có.
Ông Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN, cho biết: “Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để phổ biến, áp dụng kết quả nghiên cứu của các cấp, ngành. Các doanh nghiệp thật sự quan tâm đến đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa nhiều. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN cấp huyện, trong một số sở, ngành còn mờ nhạt. Còn thiếu các đề tài mang tính chất đặt hàng của các ngành cho hoạt động KHCN. Và quan trọng nhất là tiềm lực KHCN của tỉnh nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, ngoài việc nâng cao mức đầu tư cho KHCN, để các nghiên cứu khoa học đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, đơn vị trong việc đặt hàng, đề xuất các giải pháp, triển khai và nhân rộng kết quả sau nghiên cứu”.
MAI HỒNG