Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Chưa có hướng dẫn, ngư dân lúng túng
Tích cực thực hiện Luật Thủy sản và các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), ngành chức năng và ngư dân trong tỉnh đã triển khai công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Tuy nhiên, việc này vẫn còn những khó khăn, bất cập do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương.
Ngư dân lúng túng
Thời gian qua, ngành Thủy sản tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị tiến hành lắp đặt thử nghiệm các thiết bị giám sát hành trình nhằm đồng bộ tự động nhắn tin qua hệ thống vệ tinh từ tàu cá về trạm bờ theo luật định.
Cán bộ kỹ thuật Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân Quy Nhơn.
Tháng 4.2019, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn (Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam) lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát tàu cá Vifish.18 trên tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 91198 TS của ông Văn Công Việt, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn). Sau đó, ông Việt đã mua thiết bị này để lắp trên tàu cá của mình. “Mặc dù tàu cá của tôi đã được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt máy Movimar, nhưng tôi vẫn mua thêm máy Vifish.18 để lắp đặt theo quy định, bởi máy hoạt động rất hiệu quả. Nhưng, tôi vẫn rất băn khoăn vì đến nay chưa có quy định cụ thể về thiết bị giám sát hành trình nào đạt chuẩn, đơn vị nào đủ điều kiện lắp đặt”, ông Việt cho biết.
Tương tự, ông Phan Văn Đàm, ở xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu mành chụp BĐ 96643 TS, bày tỏ: “Nhà nước chưa ban hành quy định về thiết bị đạt tiêu chuẩn để ngư dân mua về lắp đặt. Hiện có rất nhiều thiết bị giám sát hành trình tàu cá công nghệ vệ tinh của nhiều nhà sản xuất với mức giá khác nhau, ngư dân chẳng biết đâu mà lần!”.
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), Công ty CP thiết bị hàng hải Mecom (Bộ NN&PTNT) đã thực hiện việc thử nghiệm nâng cấp thiết bị VX-1700 sóng ngắn tầm xa để tự động báo về trạm bờ tại tỉnh Bình Định. Sau 3 lần thử nghiệm vẫn chưa thực hiện đạt yêu cầu, nên tỉnh không lựa chọn thiết bị này mà chuyển sang xu hướng dùng thiết bị giám sát hành trình sử dụng công nghệ vệ tinh. Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo lộ trình để triển khai thực hiện và đã báo cáo Bộ NN&PTNT để sớm ban hành tiêu chuẩn về đơn vị cung cấp thiết bị đạt tiêu chuẩn.
Vẫn còn phải chờ đợi
Theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, thì tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cụ thể, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình từ ngày 1.7.2019, thiết bị phải đảm bảo tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 2 giờ/lần. Tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải lắp đặt thiết bị trước ngày 1.4.2020, thiết bị phải tự động truyền tin nhắn tối thiểu 8 vị trí/ngày với tần suất 3 giờ/lần qua các hệ thống thông tin vệ tinh, thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng băng tần MF, HF, VHF. Riêng các tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới kéo phải được lắp đặt trước ngày 1.1.2020.
Ngày 26.7, trao đổi với PV Báo Bình Định về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết: Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ về việc xây dựng cơ sở hạ tầng giám sát tàu cá Trung ương nhằm đảm bảo việc giám sát chung tất cả tàu cá trên toàn quốc. Do đó, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá không chỉ đáp ứng quy định của Nghị định 26/2019 mà còn phải đảm bảo các thiết bị kết nối dữ liệu chung với Trung ương. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh cứ tiến hành lắp đặt thử nghiệm các thiết bị giám sát hành trình tàu cá mới, để có cơ sở đánh giá chung. Khi được Bộ Tài chính cấp kinh phí thì Bộ NN&PTNT sẽ triển khai xây dựng hệ thống giám sát tàu cá Trung ương, đồng thời Tổng cục Thủy sản sẽ rà soát xem đơn vị nào đủ điều kiện đáp ứng các quy định cung cấp thiết bị, rồi triển khai về các địa phương để thông báo ngư dân lắp đặt thiết bị theo đúng lộ trình quy định.
* Hiện trong tỉnh đã có 70 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (máy Movimar), đạt 100% theo quy định.
* 1.385 tàu cá làm nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới kéo phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1.1.2020.
* 1.591 tàu cá làm nghề khác có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1.4.2020.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN