Kinh doanh lan rừng phát triển ở huyện
Không chỉ ở thành phố, nghề kinh doanh lan rừng hiện đã phát triển ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Chỉ trên địa bàn 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát hiện đã có trên 10 vườn lan lớn nhỏ. Ngoài những vườn quy mô tương đối lớn, trồng và nhân được giống lan rừng, thì nhiều chủ vườn nhỏ chuyên thu mua và bán lan rừng qua mạng.
Một góc vườn lan rừng của anh Lê Sơn Hoàng ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát.
Anh Lê Sơn Hoàng, chủ vườn lan rộng trên 200 m2 ở thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát), cho biết, việc tham gia Hội Sinh vật cảnh huyện đã giúp anh tích lũy nhiều kinh nghiệm về trồng và chăm sóc lan rừng. Hiện vườn lan của anh có gần 50 loài, và anh còn sở hữu nhiều giò lan ghép trên gỗ lũa trắc đặc trưng của Bình Định - có giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng/giò.
Cách chỗ anh Hoàng không xa, vườn lan của anh Nguyễn Ngọc Vinh lại chuyên về lan phi điệp đột biến quý hiếm, phục vụ khách hàng phân khúc cao cấp. Thông thường, một giò phi điệp đột biến có giá cả trăm triệu đồng. Đối với những giò lan đột biến có mặt hoa, hình dáng độc, có nhiều thân, nhiều mầm, giá được đẩy lên đến vài trăm triệu đồng. Vườn lan của anh Hoàng, anh Vinh thường xuyên có nhiều khách lui tới xem và chọn mua hoa tại chỗ. Một vườn lan như vậy mang lại cho chủ nhân thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm.
Trước nhu cầu chơi lan ngày càng phổ biến, nhiều bạn trẻ ở huyện từ chỗ đam mê, yêu thích và sưu tầm lan rừng về trồng đã chuyển sang kinh doanh lan. Như anh Minh Viễn (Phù Cát), công việc kinh doanh lan rừng qua mạng đã mang lại cho anh thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Thời gian đi sưu tầm, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc lan trên các diễn đàn mạng xã hội đã giúp anh Viễn làm quen nhiều người cùng sở thích ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Để rồi chính họ lại là khách hàng ủng hộ khi anh Viễn kinh doanh lan.
HỒNG HÀ