6 giờ “vàng” của bệnh nhân đột quỵ
Giữa tháng 7.2019, bệnh nhân L.T.T. (52 tuổi, ở thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) đã được cấp cứu kịp thời và hồi phục ngoạn mục sau ca can thiệp lấy huyết khối động mạch não do đột quỵ.
Bệnh nhân L.T.T hồi phục ngoạn mục sau ca can thiệp đột quỵ trong “giờ vàng”.
Bà T. nhập viện điều trị tại khoa Nội Tim mạch (BVĐK tỉnh) để theo dõi bệnh hẹp khít van tim hai lá nặng, chưa kịp chuyển lên tuyến trên để điều trị thì bệnh nhân bị đột quỵ, không nói được, liệt một nửa người bên phải. Bệnh nhân được chuyển kịp thời sang khoa Thần kinh đột quỵ, sau 30 phút các bác sĩ đã can thiệp lấy huyết khối động mạch não và tái thông dòng chảy đưa máu lên não kịp thời. Sau 2 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, nói được, đi đứng và hồi phục gần như hoàn toàn, không để lại di chứng nào.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh), bà T. có tiền sử hẹp van hai lá khít - nguyên nhân chính tạo nên cục máu đông trôi gây tắc động mạch não giữa. Sự hồi phục ngoạn mục một phần là bệnh nhân đột quỵ ngay khi đang nằm viện, được cấp cứu kịp thời và tái thông mạch máu não trong khoảng 2 giờ - “thời gian vàng”.
Hiện có đến 90% bệnh nhân điều trị tại khoa Thần kinh đột quỵ là do đột quỵ. Các bác sĩ khuyến cáo, đột quỵ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, hoặc để lại những hậu quả nặng nề với các di chứng nặng như mất ý thức, liệt nửa người hoặc cả người…
Bác sĩ Trung cho biết: Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện càng nhanh, cơ hội hồi phục càng lớn. Khoảng thời gian giúp bệnh nhân đột quỵ có khả năng hồi phục tốt được gọi là “thời gian vàng” (trong vòng 6 giờ đầu sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu tiên); tuy nhiên, từ 3 - 4,5 giờ sau đột quỵ vẫn là thời gian lý tưởng nhất cho điều trị. Vượt quá “thời gian vàng” sẽ không có biện pháp điều trị tối ưu và khả năng hồi phục của người bệnh sẽ là rất khó.
HOÀNG ANH