Ngăn chặn ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài: Cần xử lý mạnh tay hơn nữa!
Mặc dù tỉnh ta đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng ngư dân khai thác thủy sản trên biển vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn còn tiếp diễn phức tạp. Bởi vậy, cần có những giải pháp mạnh tay hơn nữa!
Toàn tỉnh hiện có 6.232 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên, trong đó có 3.038 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi. Năm 2018, cả tỉnh có 22 tàu cá/175 ngư dân khai thác thủy sản (KTTS) vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, 58 lượt tàu cá vi phạm bị lực lượng chức năng Việt Nam cảnh báo. 6 tháng đầu năm 2019 đã có 13 tàu cá/89 ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ và 51 lượt tàu cá vi phạm bị cảnh báo.
Tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá kiểm tra thủ tục tàu cá xuất, nhập cảng tại cảng cá Quy Nhơn.
Ngư dân cố tình vi phạm
Ông Phan Lùn, ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn), chủ 6 chiếc tàu cá KTTS xa bờ, tâm tình: Mặc dù không trực tiếp ra khơi, nhưng hàng ngày tôi thường xuyên liên lạc với thuyền trưởng các tàu cá trong đội tàu của gia đình qua hệ thống thông tin liên lạc ICOM để thường xuyên nhắc nhở anh em thuyền trưởng, thuyền viên phải tuân thủ pháp luật khi KTTS, không được vi phạm vùng biển nước ngoài. Có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài không những bị tịch thu tài sản mà còn bị họ giam giữ.
“Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong cả nước có dấu hiệu gia tăng, Bình Ðịnh là địa phương đứng thứ 4 cả nước có số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ðể tiếp tục ngăn chặn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài có hiệu quả, tỉnh Bình Ðịnh cần đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá để quản lý tàu cá; thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương theo đề án để quản lý hoạt động KTTS trên biển; các hồ sơ xử lý ngư dân vi phạm phải có đầy đủ chứng cứ, hồ sơ điều tra và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định IUU…”
Ông LƯU VĂN HUY, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT)
Còn ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99169 TS, cho rằng: “Chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu thường xuyên được ngành chức năng tuyên truyền, cấp phát bản đồ vị trí vùng biển Việt Nam, vùng biển chung, vùng biển của nước ngoài nên ngư dân biết hết. Các tàu cá đánh bắt xa bờ đều được trang bị trang thiết bị hiện đại nên đều xác định được ranh giới vùng biển nước ta và nước ngoài, chỉ khi chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu qua biển nước ngoài KTTS mới bị bắt giữ, còn làm ở biển Việt Nam mình thì ai dám bắt mình!”.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là một số chủ tàu, thuyền trưởng biết quy định nhưng vì lợi ích kinh tế mà cố tình vi phạm. Ủy ban châu Âu rất quan tâm về nguồn gốc thủy sản phải được đánh bắt trong vùng biển hợp pháp, vì vậy tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài còn tiếp diễn thì rất khó để gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
“Trước đó, do các văn bản pháp lý vẫn chưa quy định cụ thể về xử phạt các hành vi, như: Không mở thiết bị giám sát hành trình; tàu cá thiếu giấy tờ; khi tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì thuyền trưởng bị bắt giữ nhưng chưa có quy định xử phạt chủ tàu ở nhà… Đến nay, sau khi Nghị định 42/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 5.7.2019 đã bổ sung các quy định đầy đủ, mức phạt rất cao và mang tính răn đe sẽ xử lý rốt ráo tình trạng này”, ông Hổ cho hay.
Phải xử lý mạnh tay hơn nữa!
Mặc dù tỉnh ta đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), như: Thu hồi vĩnh viễn giấy phép KTTS, loại khỏi danh sách hưởng chế độ hỗ trợ KTTS của Nhà nước; tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài. Còn đối với các trường hợp tàu cá có dấu hiệu vi phạm bị lực lượng chức năng Việt Nam cảnh báo sẽ thông báo cho các cảng cá không xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khi các tàu này cập cảng và không được bán sản phẩm khai thác tại các cảng cá; tổ chức kiểm điểm cảnh cáo đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, xử phạt theo luật định… nhưng tình trạng ngư dân KTTS trên biển vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn đã làm ảnh hưởng đến nỗ lực xóa “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu đối với cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh: “Nghề cá là ngành nghề kinh tế mũi nhọn của ngành nông nghiệp tỉnh. Chúng ta đã tuyên truyền nhiều rồi, mà ngư dân vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy phải làm quyết liệt, mạnh tay hơn nữa ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không xem xét miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt cho bất cứ trường hợp nào vi phạm. Đừng để một vài ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài mà làm ảnh hưởng đến cả tỉnh, cả nước, phải cương quyết xử lý thật nghiêm ngư dân vi phạm theo quy định của pháp luật”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN