Ba mẹ ở tù, con ở với ai…
Không cưỡng lại được sự cám dỗ của đồng tiền, nhiều gia đình từ vợ đến chồng rủ nhau cùng mua bán “cái chết trắng”. Hệ lụy hiển nhiên của hành vi tội lỗi này là những bản án nghiêm khắc. Nhiều đứa trẻ bỗng dưng bơ vơ vì thiếu sự quan tâm chăm sóc của ba mẹ.
Chim non bơ vơ
Trong lúc chồng thụ án tù 14 năm về tội giết người, để có tiền lo cho 3 con nhỏ, Nguyễn Thị Kim Quyên (SN 1976, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh. Do không cưỡng lại được cám dỗ của những đồng tiền bất chính, Quyên tham gia buôn bán ma túy. Và hệ lụy là giờ đây Quyên đang bị tạm giam vì tội buôn bán, tàng trữ ma túy, ba con nhỏ của chị giờ như bầy chim non mất tổ.
Tôi tìm đến nhà của bị can Quyên, đúng vào lúc mấy con của Quyên đang dạy nhau học. Cô bé chị- cháu X., 14 tuổi, buồn rầu kể: “Từ ngày ba ở tù, mẹ bị bắt, rất nhiều bữa, mấy chị em con ăn mì gói trừ cơm. Ngày chỉ ăn 2 bữa thôi. Nhiều lúc đói bụng và thèm cơm lắm, nhưng phải chịu, cũng may nhờ bà con thương tình nên bọn em vẫn được đến trường”. Mới chừng ấy tuổi đầu, nhưng cô bé biết quán xuyến công việc nhà, chăm lo cho em. Nhìn mấy đứa trẻ ngơ ngác, lòng tôi quặn thắt. Nếu hình dung được cảnh con cái mình bơ vơ liệu Quyên có dám bước vào con đường tội lỗi kia không?
Hoàn cảnh của Y. (7 tuổi, phường Thị Nại, Quy Nhơn) cũng rất đáng thương. Khi Y. mới 6 tháng tuổi, cha em bị bắt về tội sử dụng và buôn bán ma túy. 6 năm sau, mẹ của Y. là Nguyễn Thị Mỹ Anh cũng theo chân chồng vào nhà giam vì tội danh trên. Từ ngày cha mẹ bị bắt, Y. về sống với bà ngoại. Em hồn nhiên: “Ban đêm là con nhớ mẹ nhiều nhất, vì lúc còn mẹ ở nhà, con đều được mẹ ôm ngủ. Ở với bà, con phải ngoan để bà không buồn, với lại chăm học thì mới được cô giáo cho điểm mười, khi nào được vào thăm thì khoe mẹ”. 7 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để Y. có thể ý thức về tương lai của mình, cả những cạm bẫy cuộc đời mai này, liệu em có đủ sức để vượt qua, khi bà ngoại ngày một yếu đi?
N.H.K (ở phường Thị Nại) hiện đang phụ việc rửa xe kiếm sống. Cha K. bỏ mẹ con em từ khi K. chưa tròn 1 tuổi, sau đó đến phiên mẹ K. bị bắt vì tội buôn bán, tàng trữ ma túy. K. lớn lên với sự chăm sóc của bà ngoại. Nhưng bà ngoại tuổi cao sức yếu, không có điều kiện để lo cho K. đi học nhiều hơn, nên từ rất sớm em đã buộc phải nghỉ học. Theo bà ngoại K., phải cho nó lao động để nó quen với việc tự nuôi lấy thân, lại có người thân quen giám sát, không có cơ hội gặp gỡ, giao du với bạn xấu. Nói về mẹ, K. kiệm lời: “Từ ngày mẹ bị bắt, em chưa vào thăm lần nào, nhưng không phải vì thế là không thương mẹ”.
Tội phạm ma túy đang dần trẻ hóa, trong đó không hiếm những trường hợp cả vợ lẫn chồng cùng vào tù. Ai có tội thì sẽ phải bị pháp luật trừng phạt, nhưng những đứa trẻ nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn là con của họ, xót xa thay, chúng cũng phải gánh chịu những hệ lụy do cha mẹ mình gây ra, bằng việc mất cả một mái ấm gia đình!
Cần lắm sự quan tâm của gia đình và xã hội
Mặc dù giận con, nhưng khi chứng kiến cảnh cháu mình bơ vơ, không biết nương tựa vào ai, bà Nguyễn Thị N. (bà ngoại của Y.) đang sinh sống ở Gia Lai đành phải bỏ dở mọi việc để về chăm lo cho cháu ngoại. Bà N. có 3 người con, nhưng 2 người đang thi hành án với những tội danh liên quan đến ma túy.
Đưa tay vuốt tóc cậu cháu ngoại có cha mẹ đều bị bắt về tội mua bán, tàng trữ ma túy, bà N. nước mắt giàn giụa: “Tôi giờ cũng già yếu rồi, sợ mai này chết đi không biết ai chăm sóc cháu. Sai lầm của tôi là đã quá nuông chiều con để rồi bây giờ, các cháu tôi phải côi cút, cực khổ giữa đời vì thiếu vắng cha mẹ. Ma túy đã phá tan nát gia đình tôi”.
“Công việc làm thuê bữa có, bữa không, gia cảnh cùng cực, nhưng có thế nào tôi cũng phải cố lo cho mấy đứa cháu ngoại, cho nó đi học và tránh xa những bạn bè xấu để cuộc đời của nó tươi sáng chứ không thể đi vào vết xe đổ của cha mẹ chúng”, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, bà ngoại của 3 chị em X., chia sẻ.
Cô P.T.H, giáo viên chủ nhiệm của X., chia sẻ: “Sau khi biết rõ hoàn cảnh gia đình em X., tôi đã chủ động hướng dẫn em làm đơn để được miễn giảm các khoản thu, nhằm tạo điều kiện cho em đến trường. X. cũng như con cháu trong nhà, mình phải có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện để tương lai của các em tươi sáng hơn. Ngoài ra, tôi cũng luôn theo dõi quản lý, để kịp thời điều chỉnh nếu em có những biểu hiện chán nản vì hoàn cảnh gia đình. Cũng may, X. ngoan và chăm chỉ”.
Ai sinh ra cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, thế nhưng vì nhiều lẽ các em phải chấp nhận cảnh sống thiếu vắng sự yêu thương, vun vén của cha mẹ. Tự lo cho bản thân, sống nhờ vào ông bà, tương lai của các em rồi sẽ thế nào, câu hỏi không dễ gì có ngay đáp án.
KIỀU ANH