Cảnh giác khi mua bán qua mạng
Mới đây, chị Đặng Thị Thủy (trú TP Pleiku, Gia Lai) đến Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Bình Định tố giác, chị là nạn nhân của một cuộc giao dịch mua bán qua mạng bị lừa đảo. Chị làm nghề mua bán mặt hàng phong lan rừng qua mạng, khách hàng nào có nhu cầu thì “ship” hàng phạm vi trong toàn quốc. Hôm đó là ngày thứ Bảy, cuối tháng 6 vừa qua chị có nhận cuộc gọi từ điện thoại di động của khách hàng có số Zalo lili Nguyên tự giới thiệu đang ở TX An Nhơn, là “tín đồ” của các loài hoa lan. Qua một hồi giới thiệu, trao đổi về kiến thức trồng và chăm sóc hoa lan vị khách đặt vấn đề mua lô hàng 1,6 kg lan rừng phi điệp như hình trên online giới thiệu với giá 12 triệu đồng. Và để giữ mối làm ăn lâu dài, chị Thủy chốt giá 11,8 triệu đồng, cước phí khách hàng tự trả. Vị khách chủ động cho địa chỉ, phương thức giao hàng gửi qua xe khách và sẽ nhận tại ngã 3 cầu Bà Gi.
Hãy cảnh giác, tránh cạm bẫy khi mua bán online (ảnh minh họa).
Như đã thống nhất, vị khách hàng điện báo đã chuyển số tiền nói trên vào tài khoản của chị và không quên kèm theo phiếu chuyển tiền chụp chuyển qua mạng Zalo để làm tin. Dù chưa nhận tiền, nhưng nhìn giấy chuyển tiền có tên và tài khoản của mình, chị Thủy tin và gửi lô hàng cho vị khách. Thế nhưng, khi nhà xe báo đã gửi hàng xong, chị gọi cho khách thì... gọi mãi không được, tiền trong tài khoản cũng chưa nhận. Chị Thủy nghi ngờ nên đầu tuần đến ngân hàng nhờ kiểm tra phiếu chuyển tiền thì được nhân viên cho biết không có giao dịch nào vào tài khoản của chị trong ngày hôm đó. Chị tiếp tục đến ngân hàng mà khách đã chuyển tiền thì tá hỏa đó là phiếu giả.
Trước đây, phương thức lừa đảo này cũng đã xảy ra ở Tuy Phước. Cuối năm 2017, một công ty có trụ sở tại xã Phước Lộc, Tuy Phước cũng đã nhận điện thoại của một khách hàng đặt mua 5 tấn cám gà với nhiều chủng loại, trị giá gần 44 triệu đồng. Khách hàng đã chụp hình ảnh phiếu chuyển tiền gửi qua mạng Zalo nên nhân viên an tâm giao hàng. Sau khi giao hàng, khách hàng tắt máy không liên lạc được, kiểm tra thì phát hiện phiếu chuyển tiền và con dấu là giả.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Đa ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước cũng là nạn nhân đã bị mất số gà giống với đơn hàng hơn 46 triệu đồng. Cũng thủ đoạn đó, một chủ trại gà ở Tuy Phước đã bị mất số tiền 170 triệu đồng. Băng nhóm này đã bị CA huyện Phù Mỹ điều tra bắt giữ và xử lý theo pháp luật.
Qua các vụ lừa đảo có thể thấy, đối tượng thường chọn ngày thứ Bảy trong tuần các ngân hàng chỉ giao dịch buổi sáng, nghỉ buổi chiều. Đối tượng viện cớ đã chuyển tiền nhưng do ngày nghỉ nên ngân hàng chuyển tiền chậm và chụp giấy chuyển tiền qua zalo để chủ hàng tin. Nếu chủ hàng nghi ngờ thì cũng không có thời gian đến kiểm tra đối chiếu. Vì vậy, các chủ hàng kinh doanh qua mạng online hãy cảnh giác, tránh cạm bẫy của đối tượng lừa đảo.
DANH NHÂN
Vừa qua, Quảng trường chiến thắng đã được TP Quy Nhơn cải tạo, chỉnh trang lại khang trang, tạo chỗ vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Tuy nhiên, mặc dù mới hoàn thành nhưng đã bị một số cá nhân ngang nhiên lấn chiếm làm chỗ kinh doanh, buôn bán tạo cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn vào buổi tối. bàn ghế, xe cộ để tràn lan gây mất mỹ quan đô thị. Rất mong quý báo có bài phản ánh tình trạng này để chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn, khắc phục triệt để, tránh tình trạng bắt cóc bỏ dĩa. Khi có đợt ra quân thì tạm thời thu dọn, đến khi lực lượng chức năng đi khỏi thì tái diễn tình trạng lấn chiếm. Nếu đã nhắc nhở nhưng tiếp tục vi phạm thì đề nghị có biện pháp mạnh như tịch thu phương tiện hành nghề để chấm dứt triệt để tình trạng biến của chung thành của riêng của một số cá nhân.