Cơ hội việc làm cho học sinh trung cấp các ngành văn hóa - nghệ thuật:
Nỗ lực mở cánh cửa hẹp
Mỗi năm có hàng trăm học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp các ngành văn hóa, nghệ thuật và du lịch của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định. Tuy nhiên, khi ra trường, có được một việc làm phù hợp chuyên môn và thu nhập đủ sống là cả một vấn đề lớn.
Đầu ra của nghề không “ăn khách”
Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm âm nhạc khóa 23 vào cuối năm 2011, đến nay Nguyễn Thị Hồng Lý (ở xã An Tân, huyện An Lão) vẫn chưa tìm được việc làm dù kiên trì nộp hồ sơ xin việc ở nhiều trường tiểu học. Lý cho biết: “Lớp có 30 bạn nhưng chỉ có phân nửa là có việc làm, trong số đó cũng chỉ vài người đi dạy, còn phần đông là làm nghề tự do như đi đàn, hát tại các tụ điểm, nhà hàng, khách sạn… Trong nửa còn lại, một số gia đình có điều kiện thì học tiếp lên cao đẳng, đại học; số khác chưa tìm được việc, về quê phụ giúp gia đình làm nông nghiệp, rồi lập gia đình…”.
Nguyễn Lê Hoàng Lan, nhân viên điều hành tour ở Công ty du lịch Viettravel luôn tự thấy mình là người may mắn vì có việc làm phù hợp ngay sau khi ra trường. Đơn giản bởi lẽ, trong khi cô đã ổn định thì đến giờ nhiều bạn cùng lớp vẫn thất nghiệp. Lớp Nghiệp vụ lữ hành khóa 3 (2010-2012) có sĩ số 17, ngoài Lan chỉ có Nguyễn Ngọc Yến Nhi (hiện là nhân viên lễ tân ở Khách sạn Công đoàn) là tìm được việc làm đúng với chuyên môn đã được đào tạo.
Ở ngành sân khấu truyền thống (gồm 2 chuyên ngành tuồng và dân ca bài chòi), đầu ra tương đối “dễ thở” hơn. Đây là ngành học mà giữa nhà trường và hai đơn vị nghệ thuật truyền thống của tỉnh là Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến đầu ra. Tuy “tốt nghiệp bao nhiêu được nhận bấy nhiêu”, song con số thực tế dấn thân theo nghề và đáp ứng được yêu cầu của mỗi đơn vị nghệ thuật để được làm việc lâu dài là không nhiều.
Đơn cử như chuyên ngành tuồng khóa 6, sĩ số ban đầu là 12, rơi rụng dần đến khi tốt nghiệp chỉ còn 7. Tháng 10.2010, có 5 người được nhận vào Nhà hát tuồng Đào Tấn, hiện còn 4 người đang theo nghề. Từ đó đến nay, nhiệt huyết của 4 nghệ sĩ trẻ này luôn “được” thử thách cao độ khi họ vẫn chưa vào biên chế và sống với đồng lương khoảng 1,7 triệu đồng/tháng!
Cần chủ động và nỗ lực hơn
Nói về cơ hội việc làm sau khi ra trường của học sinh, bà Trịnh Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định đưa ra con số lạc quan: “Tuy không thống kê một cách cụ thể, song qua tìm hiểu, nhà trường ước lượng tỉ lệ có việc làm của học sinh ở mức 80%. Mỗi năm có vài trăm học sinh tốt nghiệp các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, du lịch. Không hẳn cứ phải chen chân vào được hết khối cơ quan nhà nước mới gọi là có việc làm. “Đất dụng võ” của các em hiện nay rất rộng, trong đó phải kể đến là con đường làm nghề tự do, đặc biệt ở các chuyên ngành thanh nhạc, nhạc cụ, múa”.
Lý giải cho tỉ lệ 20% còn lại bị thất nghiệp, bà Cúc cho rằng phần lớn bộ phận này còn thụ động, chưa thật sự nỗ lực tìm kiếm việc làm hoặc ngại nhận công tác ở vùng sâu vùng xa. Bà Cúc cũng nhấn mạnh, cơ hội có việc làm của học sinh nghệ thuật càng cao khi họ chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, nỗ lực đáp ứng yêu cầu công việc, nghề nghiệp chuyên môn và nhu cầu của xã hội.
Trở lại với “sự may mắn” của Nguyễn Lê Hoàng Lan, trước khi có được điều này, Lan đã có sự chuẩn bị khá kỹ. “Học Nghiệp vụ lữ hành cần thiết phải đi thực tế để tích lũy kinh nghiệm, để nắm chắc về tuyến điểm du lịch. Tuy nhiên, những đợt đi thực tế do nhà trường tổ chức lại quá ít. Tôi và bạn bè thường tổ chức những chuyến đi ngắn về các điểm du lịch trong tỉnh để tìm hiểu thêm và cọ xát thực tế”, Hoàng Lan cho biết.
Theo Lan, trước khi ra trường, tất cả học sinh các chuyên ngành Nghiệp vụ du lịch lữ hành, Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Nghiệp vụ lễ tân, Nghiệp vụ khách sạn - nhà hàng đều được nhà trường giới thiệu về các nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch để thực tập, có thể xem đó là cơ hội để mỗi người thể hiện, tìm việc sau này. Sau khi thực tập tại Viettravel, Lan tiếp tục xin làm cộng tác viên để học hỏi thêm từ đội ngũ làm du lịch tại đây.
Tương tự, trước khi được nhận về dạy tại Trường PTCS Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), Trần Huệ Thiện (Sư phạm âm nhạc K23) cũng trải qua gần 1 năm “chạy sô” tại các phòng trà, quán cà phê nhạc sống, nhà hàng, khách sạn… Việc này giúp anh vừa có thu nhập để trang trải cuộc sống vừa gắn bó với nghề. Theo anh, cơ hội việc làm cho học sinh văn hóa, nghệ thuật sẽ không là “màu xám” nếu kết hợp nhiều yếu tố. Bên cạnh việc bản thân học sinh nỗ lực đáp ứng yêu cầu công việc, chất lượng đầu vào, nhất là phần năng khiếu và chất lượng đào tạo chuyên môn của trường cần được chú trọng nâng cao.
“Học nghệ thuật, nếu không có năng khiếu và thật sự đam mê sẽ rất dễ nản, dẫn đến thiếu động lực để đi làm thêm, tự rèn luyện và phát triển chuyên môn; trong khi đây là môi trường thực hành, rèn nghề và tạo mối quan hệ, địa chỉ tiếp nhận sau khi ra trường. Khi người học với tâm lý “làng nhàng”, thụ động, không thật sự nỗ lực… thì cơ hội việc làm càng trở nên chật hẹp”, Thiện lý giải.
SAO LY