“Dã” hay “giã”?
Do nhầm lẫn về âm đọc, nhiều người không phân biệt được “dã” và “giã”, thậm chí còn cho rằng chúng là một, như trong trường hợp “thuốc đắng dã/giã tật”.
Thật ra, “dã” và “giã” là những từ hoàn toàn khác nhau. Trong tiếng Việt, “dã” có nghĩa là “làm giảm, làm mất tác dụng của chất, thường là có hại, đã hấp thu vào trong cơ thể”, như trong “dã độc”, “dã rượu”. Như vậy, “dã” gắn liền với một chất cụ thể. Trong thành ngữ “thuốc đắng dã tật”, “tật” là yếu tố gốc Hán, nghĩa là “bệnh”, không phải là một chất cụ thể. Do đó, kết hợp “dã tật” là không ổn.
“Giã” trong tiếng Việt có nhiều từ. Đó là: 1. “làm cho giập, nát hoặc tróc lớp ngoài bằng cách cho vào cối và dùng chày nện xuống liên tiếp”, như trong “giã bột”, “giã gạo”; 2. “từ giã” (từ cũ), như trong “giã từ”, “giã biệt”; 3. “kết thúc, bắt đầu tan”, là biến âm của “rã”, như trong “giã đám”, “giã hội”; 4. “lưới hình túi do tàu thuyền kéo để đánh bắt cá và các hải sản khác ở tầng đáy hoặc gần đáy biển”, như trong “kéo giã”; “thuyền dùng để kéo giã đánh cá”, như trong “chiếc giã” và nghĩa chuyển từ loại “đánh cá và các hải sản khác bằng giã”, như trong “đi giã”, “nghề giã”.
Nhiều người cho rằng, “giã” trong thành ngữ “thuốc đắng giã tật” là “giã” 1 và “giã tật” có thể hiểu là “đánh bay, đánh tan bệnh”. Tuy nhiên, cách dùng này đã đi khá xa so với nghĩa gốc của “giã”. “Giã” là “làm cho giập, nát hoặc tróc lớp ngoài”, kết hợp với “tật” cũng không ổn.
Vậy, đâu mới là thành ngữ đúng. Câu trả lời là “thuốc đắng đã tật”. Trong đó, “đã” là một từ cũ có nghĩa là “đã lành bệnh”, “khỏi bệnh rồi” như ghi nhận trong “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của hoặc trước đó, “Tự vị Annam Latinh” của Bá Đa Lộc. Kết hợp này càng có cơ sở khi “tật” với nghĩa “bệnh” cũng là một từ cũ, nay hầu như không còn được dùng nữa.
Ngoài ra, còn có dị bản “thuốc đắng đả tật”. Trong đó, “đả” gốc Hán, nghĩa là “đánh, đập”, như trong “đả thương”. “Đả tật” có thể hiểu là “đánh [bay] bệnh”. Tuy nhiên, trong hầu hết các từ điển tiếng Việt, Hán Việt, chúng tôi không thấy ghi nhận tổ hợp này.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ