Tăng cường quản lý y tế tư nhân
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập” được tổ chức vào ngày 4.11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng đặc biệt lưu ý ngành Y tế không được lơ là với y tế tư nhân.
Từ ngày 1.1.2012 đến 31.10.2013, Sở Y tế đã cấp giấy phép hoạt động cho 424 cơ sở và 1.638 cá nhân hành nghề y ngoài công lập. Hiện tại, Sở đang quản lý 508 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề và 445 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
35/173 cơ sở bị thanh tra có sai phạm
Theo Thanh tra Sở Y tế, từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 87 cơ sở hành nghề y được thanh tra, 13 cơ sở vi phạm bị xử phạt 33 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, không niêm yết giá dịch vụ theo quy định, quảng cáo trên bảng hiệu quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép.
Số cơ sở hành nghề y, dược tư nhân lớn gây khó khăn cho công tác quản lý.
- Trong ảnh: Đăng ký khám bệnh tại Phòng khám đa khoa 38 Lê Lợi, TP Quy Nhơn (ảnh minh họa).
Trong khi đó, 22/86 cơ sở hành nghề dược bị thanh tra có sai phạm, với tổng số tiền phạt hơn 114 triệu đồng. Sai phạm xảy ra ở nhiều hoạt động, như bán thuốc không rõ nguồn gốc; bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ; niêm yết giá thuốc không đầy đủ; người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không ủy quyền hoặc cử người thay thế; kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề…
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép hoạt động. Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Văn Trung cho biết, theo Thông tư 41/2011/TT-BYT, phòng khám thẩm mỹ cũng là 1 loại hình khám, chữa bệnh, phải được thanh, kiểm tra thường xuyên. Thanh tra Sở Y tế đã thanh tra 2 cơ sở này vào ngày 24.10, phát hiện cơ sở Mỹ Nữ (337 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) quảng cáo trên bảng hiệu quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.
“Mấy năm trước, cũng có tình trạng phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ quảng cáo trên truyền hình khi nội dung chưa được Sở Y tế thông qua. Trong khi đó, theo quy định, cơ sở phải có hồ sơ đầy đủ, nội dung quảng cáo phải được cơ quan có thẩm quyền (ở đây là Sở Y tế) phê duyệt, cho phép thì mới được đưa thông tin lên phương tiện thông tin đại chúng”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.
Ngoài Thanh tra Sở Y tế, các địa phương cũng giám sát thường xuyên hoạt động y tế tư nhân. Theo Trưởng phòng Y tế TP Quy Nhơn Đào Đô My, trên địa bàn thành phố hiện có đến 192 cơ sở hành nghề y và 126 cơ sở hành nghề dược tư nhân. Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố tiến hành kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn vào các ngày thứ 7, Chủ nhật. “Đa số các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn chấp hành đúng quy định, nhưng vẫn còn một số cơ sở vi phạm. Từ tháng 6 đến hết tháng 10.2013, chúng tôi đã thực hiện 7 đợt thanh, kiểm tra tại 49 cơ sở, qua đó nhắc nhở 16 cơ sở, phạt tiền 4 cơ sở với số tiền 10 triệu đồng”, bác sĩ Đào Đô My cho biết.
Chú trọng hậu kiểm
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cang, nhân lực của các cơ sở y tế tư nhân tại Bình Định chủ yếu là cán bộ, bác sĩ của các cơ sở y tế công lập. Vì thế, lãnh đạo các cơ sở y tế công lập cần tăng cường quản lý, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhân viên nâng cao ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Y tế phải tập trung thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý về hành nghề y, dược ngoài công lập. Một trong các nhiệm vụ quan trọng là tăng cường bộ máy và năng lực của thanh tra ngành Y tế.
“Cũng như nhiều địa phương khác, lực lượng thanh tra Y tế của tỉnh ta khá mỏng. Hiện nay, Thanh tra Sở Y tế chỉ có 4 người, nhưng đảm nhận nhiều nhiệm vụ. Với mảng hành nghề y dược tư nhân, hằng quý Thanh tra Sở đều tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế ra quyết định thành lập đoàn thực hiện thanh tra thường xuyên và đột xuất. Tuy nhiên, việc nhiều mà người thì ít, nên làm không xuể”, bác sĩ Nguyễn Văn Trung chia sẻ.
Thực tế cho thấy, không thuộc diện “trăm hoa đua nở” như các thành phố lớn, nhưng với số lượng các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trong tỉnh như trên đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng, dù trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra những sai sót nghiêm trọng, nhưng không thể vì thế mà chủ quan. Nếu công tác quản lý không được tăng cường, nguy cơ xảy ra những tai biến bất ngờ là không hề nhỏ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, công tác cấp phép hành nghề của các địa phương vẫn còn sơ hở, điều quan trọng là phải tăng cường kiểm tra, soát xét để khắc phục những sơ hở đó. Phải xem lại trình tự, thủ tục cấp phép; đồng thời kiểm tra số cơ sở chưa được cấp phép. Đồng chí Mai Thanh Thắng khẳng định: “Không được lơ là công tác hậu kiểm, hậu cấp phép. Trong điều kiện lực lượng thanh tra còn mỏng, hoạt động thanh, kiểm tra phải có trọng điểm, chú trọng lĩnh vực nhạy cảm; đặc biệt, phải giám sát cho bằng được số cơ sở không phép”.
NGUYỄN VĂN TRANG
Công tác quản lý là công tác Xuyên Suốt của các đơn vị chức năng nhằm giúp Nhà nước giám sát các hoạt động của các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo pháp luật được thực thi và đi vào thực tế. Đùng một phát xảy ra chuyện thì tuyên bố là Tăng cường giám sát, quản lý, nào là cố gắng đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên. Vậy năm nay tăng cường, năm sau tăng cường lại năm nay hay sao? lộ trình đó người dân có được hiểu theo hình bậc thang không?