Việt Nam, Indonesia kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển Đông
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan, chiều 30.7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp song phương Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Masurdi tại Bangkok, Thái Lan.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi tại cuộc gặp. (Ảnh: BNG)
Hai Bộ trưởng nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác về các vấn đề trên biển. Hai bên đã thảo luận và chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác thực chất và hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, duy trì hoà bình, ổn định và tăng cường tin cậy giữa các nước.
Căng thẳng gia tăng trên biển Đông và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung dự kiến là những chủ đề nóng và gây chú ý nhất tại Hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao Asean và các hội nghị liên quan khai mạc hôm nay.
Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất của Asean hiện nay liên quan những đòi hỏi chủ quyền quá mức của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, động thái mà Mỹ gọi là “hành vi bắt nạt”. Philippines cũng cáo buộc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên vùng biển này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối tuần trước vẫn nói tình hình biển Đông “nhìn chung ổn định, tạo động lực cho hợp tác và các nhân tố tích cực gia tăng”. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói tại cuộc họp báo từ Manila hôm 30.7 rằng sự bảo đảm của Trung Quốc về hòa bình trên khu vực tranh chấp không ăn nhập với hành động.
Trung Quốc vẫn thể hiện họ muốn thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử với Asean, sau khi 2 bên đã đồng ý một bộ khung ban đầu, một quan chức Indonesia cho biết hôm 29.7. Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh bị tố đang đưa lực lượng tàu hải cảnh và dân quân biển ra khẳng định các đòi hỏi chủ quyền thái quá trên biển Đông.
Theo BÌNH GIANG (TPO)