Phòng bệnh trẻ em khi thời tiết chuyển mùa
Thời tiết thay đổi từ mùa nắng sang mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, như virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm, Adenovirus gây bệnh viêm phổi, Rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ em.
Thời gian gần đây, khi thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, số trẻ nhập viện tăng cao hơn trước 125-130%. Tại phòng khám Nhi, BVĐK tỉnh, mỗi ngày có 150-180 bệnh nhi đến khám, trong đó có 25-30 bé phải nhập viện điều trị. Tại khoa Nhi, có thời điểm có đến 150-180 bệnh nhi điều trị nội trú. Các bệnh thường gặp là bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp, viêm mũi họng cấp, viêm VA, hen phế quản… Bệnh đường tiêu hóa, chủ yếu là tiêu chảy, với nguyên nhân thường gặp là Rotavirus. Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết Dengue cũng thường gặp trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Tuổi mắc bệnh chủ yếu là dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 24 tháng chiếm khá nhiều.
Biểu hiện của viêm phổi là sốt, ho khan, chảy mũi nước, mệt mỏi, sau đó ho có đàm, thở nhanh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ sẽ có những dấu hiệu nặng hơn, như tím tái da niêm mạc, thở rút lõm lồng ngực, co kéo cơ liên sườn, rút lõm hõm trên ức, phập phồng cánh mũi, thở rên…Bệnh tiêu chảy ở trẻ thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như nôn nhiều, sau đó đi phân tóe nước nhiều lần, phân màu vàng như hoa cà, hoa cải. Phân có đàm, có lúc có máu hoặc phân xanh rêu, đau bụng gặp trong trường hợp lỵ trực khuẩn. Tùy theo trẻ bị tiêu chảy nhiều hay ít mà tình trạng mất nước nặng hay nhẹ. Biểu hiện dấu hiệu mất nước như: môi khô, mắt trũng, nếp véo da mất chậm, khát nước…
Để phòng các bệnh đường hô hấp ở trẻ em, cần phải chăm sóc sức khỏe sản phụ, hạn chế sinh non, sinh thiếu cân. Trẻ được bú mẹ sớm, ăn dặm đúng cách, tránh suy dinh dưỡng. Trẻ được sống ở môi trường trong lành, không bụi khói độc hại, nhang trừ muỗi, thuốc lá, tránh khí độc, ô nhiễm, nơi ở tối tăm, chật chội, ẩm thấp, tránh tối đa nguồn lây…
Trong khi đó, để đề phòng bệnh tiêu chảy hiệu quả, khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là rất quan trọng. Phải biết phòng bệnh từ bản thân cũng như mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ăn chín, uống sôi, không dùng các loại thức ăn ôi thiu, nước giải khát không đảm bảo vệ sinh. Trẻ em và người chăm trẻ cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu có điều kiện, nên cho trẻ uống vắc-xin ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus.
BS PHẠM VĂN DŨNG (BVĐK tỉnh)