Bản án có hiệu lực hơn 7 năm chưa thi hành được:
Cần giải quyết dứt điểm
Mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật hơn 7 năm nhưng đến nay Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Quy Nhơn vẫn chưa tổ chức thi hành được.
Án đã có hiệu lực pháp luật…
Ngày 4.11.2000 ông Lê Đức Châu (trú 21 Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) có thỏa thuận với vợ chồng ông Nguyễn Như Hưng, bà Đỗ Thị Sa (trú tổ 7, KV 8, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) về việc mua bán nhà.
Theo đó, vợ chồng ông Hưng bán cho ông Châu một nhà tạm trên lô đất có diện tích 124,5m2, tại tổ 7, KV 8, P. Ngô Mây, TP Quy Nhơn với giá 38 chỉ vàng (Ngọc Thiện Phẩm 97%). Sau khi mua nhà xong, ông Châu xây dựng mới lại ngôi nhà trên diện tích 46m2 đất và cho vợ chồng ông Hưng tiếp tục sử dụng, nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng.
Ngày 3.7.2003, ông Châu và vợ chồng ông Hưng thỏa thuận nhau mua bán tiếp ngôi nhà và đất khác (liền kề ngôi nhà trước) của vợ chồng ông Hưng, tại tổ 7, KV 8, phường Ngô Mây, với diện tích 60m2, giá 120 triệu đồng. Ông Châu đã đặt cọc 27 triệu đồng, 2 bên cam kết khi nào giao đủ tiền sẽ nhận nhà. Nhưng sau đó vợ chồng ông Hưng không thực hiện hợp đồng mua bán nhà như đã cam kết. Ông Châu khởi kiện vụ việc ra tòa.
Ngày 15.7.2005, TAND tỉnh thụ lý và xét xử vụ “tranh chấp hợp đồng mua bán nhà” giữa nguyên đơn là ông Lê Đức Châu và bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Như Hưng và bà Đỗ Thị Sa bằng quyết định dân sự phúc thẩm 105/DSPT; tuyên buộc: Vợ chồng ông Hưng, bà Sa phải trả cho ông Châu số tiền 211,959 triệu đồng và 38 chỉ vàng Ngọc Thiện Phẩm. Vậy nhưng đến đầu tháng 11.2013, ông Lê Đức Châu vẫn bức xúc: “Sau khi bản án số 105/DSPT có hiệu lực, tôi đã có đơn yêu cầu gửi Chi cục THADS TP Quy Nhơn. Chi cục đã ra quyết định THADS đối với vợ chồng ông Hưng, bà Sa. Thế nhưng, hơn 7 năm nay vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ”.
…vẫn ách tắc hơn 7 năm (!)
ông Nguyễn Hoàng Anh, Chấp hành viên Chi cục THADS TP Quy Nhơn, cho biết: “Sau khi bản án số 105/DSPT có hiệu lực pháp luật, Chi cục THADS TP Quy Nhơn đã thực hiện và lập đầy đủ các thủ tục về THA. Nhưng ông Nguyễn Như Hưng và bà Đỗ Thị Sa không tự nguyện thi hành. Do đó, cơ quan THA cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn để xác định về điều kiện THA của ông Hưng và bà Sa. Tuy nhiên, qua xác định nhà của vợ chồng ông Hưng, bà Sa là nhà xây dựng trên đất lấn chiếm”.
Ông Anh lý giải thêm: “Ngôi nhà mà vợ chồng ông Hưng, bà Sa đang quản lý, sử dụng nói trên là nhà xây dựng trái phép trên đường ống dẫn nước (được hình thành vào năm 1982) do Công ty Cấp thoát nước Bình Định quản lý. Mặt khác, thửa đất này nằm trong diện giải tỏa để mở đường Hoàng Văn Thụ nối dài. Do đó, Chi cục THADS TP Quy Nhơn đã lập thủ tục trả lại đơn yêu cầu THA (số 219/QĐ-TĐYCTHA ngày 24.9.2007) cho ông Lê Đức Châu theo luật định”.
Từ việc lấn chiếm đất và xây dựng nhà ở trái phép, nên ông Hưng, bà Sa không được chính quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ và QSH nhà. Tài sản của ông Hưng, bà Sa không hợp pháp nên cơ quan THADS không có cơ sở pháp lý để kê biên. “Thời gian đến, Cơ quan THADS TP Quy Nhơn sẽ mời các bên đương sự đến thỏa thuận THA. Trường hợp 2 bên thống nhất được phương án thỏa thuận thì cơ quan THA sẽ tiếp tục thi hành; còn nếu 2 bên không thỏa thuận được thì căn cứ theo điều 51 của luật THADS, cơ quan THA sẽ lập thủ tục trả lại đơn yêu cầu cho ông Lê Đức Châu” - ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm.
Về vụ việc này, Viện KSND TP Quy Nhơn đã có công văn số 796/VC-VKS ngày 7.10.2013, đề nghị Chi cục THADS TP Quy Nhơn tiến hành các biện pháp mà pháp luật quy định để tổ chức thi hành bản án số 105/DSPT ngày 15.7.2005 của TAND tỉnh.
Một khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan THADS cần tiến hành thi hành để đảm bảo tính hiệu lực của bản án và sự nghiêm minh của pháp luật; cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đương sự liên quan. Do đó, Chi cục THADS TP Quy Nhơn và Ban chỉ đạo THADS TP Quy Nhơn cần xem xét lại vụ việc, các điều kiện để có bước thi hành dứt điểm bản án, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.
TRỌNG LỢI
Khó hiểu quá, một bên nói là không có cơ sở nào để thi hành án và một bên nói rằng phải tiến hành THA theo quy định của pháp luật (bồi hoàn tiền theo kết quả bản án). Vậy, tiền ghi trong bản án lấy từ nguồn nào (nếu không lấy trong tiền bán được từ vụ tranh chấp nhà), hay là ý của VKS chỉ nói chung chung, còn làm được hay không thì mặc kệ (ai chết rắng chịu: cũng làm đúng theo quy trình mà). Thôi thì để giải quyết được cái bất hợp lý trên thì áp dụng nguyên tắc có ăn thì phải chịu quả (dùng luật nhân quả: tạm gọi là Luật rừng vậy) bắt đối tượng đi tù thay cho việc trả tiền vậy (khó thật trong Luật dân sự không có đề cập này! nên mới gọi tạm luật rừng mà)