Hiện tượng bệnh sốt rét tăng bất thường ở Vân Canh: Giám sát tốt để kiểm soát hiệu quả
Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, huyện Vân Canh đã có tới 27 trường hợp mắc sốt rét. “Bệnh sốt rét đang tăng mạnh và có nhiều diễn biến khó lường”, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh Lang Ðình Bính xác nhận.
Vân Canh đang là “điểm nóng” sốt rét toàn tỉnh, chiếm 28/40 ca bệnh, tăng 1.200% so cùng kỳ năm 2018; trong đó, 27 trường hợp có ký sinh trùng (KST) sốt rét trong máu.
Tẩm màn hóa chất phòng bệnh sốt rét cho người dân Canh Thuận.
Nguy cơ tái phát
Sau 3 ngày bỏ trị, được các y bác sĩ truy tìm, động viên, đến sáng 24.7, bệnh nhân Sâu Zuôn Noa (24 tuổi, ở làng Cà Xiêm, xã Canh Thuận) mới quay lại Trạm y tế xã nhận thuốc, tiếp tục liệu trình điều trị bệnh sốt rét dang dở. Trước đó, chưa đầy 1 tháng, sau đợt khai thác gỗ keo tại Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), Sâu Zuôn Noa cũng nhập viện điều trị sốt rét tại TTYT huyện Vân Canh. “Vào bệnh viện điều trị, uống thuốc một ngày thấy khỏi bệnh nên mình vào rừng làm tiếp. Giờ nghe nhân viên y tế khuyên, mình ở nhà đến hết tuần để khỏi bệnh rồi mới đi làm”, Noa cho biết.
“Cấp bách lúc này là ngành Y tế Vân Canh phải tăng cường công tác giám sát dịch tễ sốt rét, nhất là y tế ở tuyến cơ sở, vùng trọng điểm sốt rét; phối hợp chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc theo dõi chặt chẽ dân di biến động. Tăng cường lấy lam máu xét nghiệm những người đi rừng, ngủ rẫy nhằm phát hiện chẩn đoán, điều trị sớm, quản lý KST sốt rét kịp thời, tránh lây lan, tử vong. Ðẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống sốt rét bằng mọi hình thức, nhất là ngủ màn, màn bọc võng”.
ThS BÙI NGỌC LÂN, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Ngoài Sâu Zuôn Noa, còn có 3 bệnh nhân khác cũng tái phát bệnh chỉ một thời gian ngắn sau khi điều trị khỏi bệnh, thậm chí bệnh nhân Đ.K.H. (ở làng Cà Xiêm) phải điều trị đến lần thứ 3. “Bệnh sốt rét rất dễ tái phát, lây lan trong cộng đồng. Chúng tôi đã đề nghị các đơn vị y tế chuyên ngành hỗ trợ xác định những trường hợp mắc bệnh trở lại như trên để có hướng truyền thông thay đổi nhận thức!”, bác sĩ Lang Đình Bính cho hay.
Sự bất thường của sốt rét tại Vân Canh còn được thể hiện qua số ca mắc bệnh tăng vọt sau 3 năm ổn định. 5/7 xã, thị trấn đã ghi nhận ca bệnh, nóng nhất là Canh Thuận (10 ca), thị trấn Vân Canh (7 ca), Canh Hòa (5 ca)...
Bà Lê Hiếu Bắc, Trạm y tế thị trấn Vân Canh thông tin, năm 2018 thị trấn không có ca bệnh sốt rét nhưng ngay ở những tháng đầu năm 2019 đã có tới 7 ca và tất cả đều mang ký sinh trùng sốt rét. Trong khi đó, điểm khiến chính quyền xã Canh Thuận và ngành Y tế địa phương rất lo lắng bởi không chỉ “đội sổ” số ca mắc bệnh mà địa phương này cũng dẫn đầu luôn với 3 ca tái phát.
Giám sát dân di biến động
Trong 27 ca bệnh có KST sốt rét, chỉ duy nhất 1 ca ở xã Canh Vinh là nhiễm KST sốt rét Plasmodium vivax, còn lại đều là loài Plasmodium falciparum - loài KST có nguy cơ dẫn đến sốt rét ác tính và tử vong rất cao.
Thách thức lớn nhất là tình trạng nhiều người dân - chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số - di chuyển địa bàn cư trú liên tục, mức độ biến động lại cao. Họ vào rừng khai thác keo, mật ong, hoa lan... nhưng ít khi sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác. Phần lớn ca mắc sốt rét ghi nhận thời gian qua là do người dân đi rừng, ngủ rẫy vùng giáp ranh, hoặc vùng rừng của huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), gây rất nhiều khó khăn trong phòng, chống sốt rét. Mặt khác sau nhiều năm ổn định về mức độ bệnh tật, một số người dân sinh chủ quan. Cùng lúc đó, các biến động kinh tế khiến việc di chuyển đến những vùng có nguy cơ mắc bệnh cao thường xuyên và dài ngày hơn, khiến khả năng mắc bệnh tăng vọt.
Ông Nguyễn Thành Tựu, cán bộ chuyên trách sốt rét TTYT huyện Vân Canh, nhận định: “Mùa cao điểm sốt rét thường xuất hiện từ tháng 9 trở đi. Nhiệm vụ hàng đầu được xác định là tăng cường năng lực chẩn đoán, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển nặng, tử vong. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những người đi rừng, ngủ rẫy phải mang theo màn, bọc võng màn ngủ để tránh sốt rét. Từ cuối tháng 7, y tế phối hợp địa phương tập trung tẩm màn hóa chất phòng bệnh cho người dân”.
Đến nay, ngành Y tế huyện đã rà soát, lên danh sách các đối tượng để cấp hơn 5.300 màn và 500 bọc võng màn cho người dân thường xuyên vào rừng, ngủ rẫy; khoảng 2.000 test nhanh phát hiện sớm sốt rét cũng được cấp cho các xã vùng sâu. TTYT huyện phối hợp các trạm y tế thực hiện 20 đợt giám sát tại các xã, thị trấn. Thông qua nhân viên y tế thôn, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng chống bệnh sốt rét đến hộ gia đình; đồng thời, tập huấn cho y tế xã về chẩn đoán, giám sát dịch tễ, hướng dẫn quản lý bệnh nhân...
“Nhiều người dân đi khai thác rừng không khai báo chính quyền địa phương nên rất khó để tiếp cận. Do đó, hàng tháng, chúng tôi phối hợp ban đại diện 8 thôn, làng chốt danh sách khoảng 100 người thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy để cấp phát thuốc, hướng dẫn ngủ màn, sử dụng kem thoa da xua diệt muỗi, lấy lam máu xét nghiệm KST sốt rét... Đến ngày 24.7, hoàn thành tẩm màn hóa chất phòng bệnh cho người dân và sẽ có đợt tẩm vét cuối tháng này”, y sĩ Đinh Thị Xuân Bình, Phó trưởng trạm y tế xã Canh Thuận chia sẻ.
Bác sĩ Đoàn Văn Ngư, Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thông tin, kết quả điều tra dịch tễ - côn trùng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành tại Vân Canh và một số điểm khác của tỉnh trong tháng 7 chưa phát hiện KST sốt rét tại chỗ; thành phần loài muỗi Anopheles truyền bệnh và mật độ đều thấp. Nhưng, biến động dân cư là nguy cơ tiềm ẩn bệnh tăng cao, phức tạp. Bình Định cũng đã phối hợp với Phú Yên về tăng cường giám sát dịch tễ sốt rét vùng giáp ranh để có những giải pháp ngăn chặn sốt rét có hiệu quả giữa 2 địa phương.
MAI HOÀNG