Phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm địa phương: Đừng chần chừ nữa
Thực tế thị trường hiện nay, sản phẩm địa phương, nhất là sản phẩm làng nghề nếu không có nhãn hiệu sẽ khó có thể mở rộng thị trường. Vấn đề đáng nói là dù đã nhìn thấy việc này và cũng muốn mở rộng việc sản xuất, kinh doanh nhưng không ít cơ sở sản xuất lại tỏ ra chần chừ.
Du khách Hà Nội quan tâm tìm hiểu nước mắm Thái An khi đến Quy Nhơn.
Năm 2017, sau khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Nước mắm Đề Gi” cho chủ sở hữu là UBND huyện Phù Cát. Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chuyên viên phòng Kinh tế hạ tầng huyện kể, sau khi sở hữu nhãn hiệu, huyện tổ chức vận động các hộ sản xuất nước mắm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của riêng mình trên cơ sở nhãn hiệu chung mà huyện vừa sở hữu (kinh phí huyện và cơ sở mỗi bên chịu một nửa). Nhưng gần như tất cả các cơ sở đã từ chối. Một thời gian sau, anh Lưu Thái Cầu - chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thái An (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) quyết định xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng trên cơ sở nhãn hiệu “Nước mắm Đề Gi”. Đến tháng 10.2018, nước mắm Thái An chính thức được UBND huyện Phù Cát cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Đề Gi”. Đó là bước đầu có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu nước mắm Thái An.
Anh Cầu cho biết, khi đem sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ đi chào hàng, người tiêu dùng tỏ ra quan tâm hơn và có một số người tìm hiểu chủ động liên hệ với cơ sở. Nhờ đó, nước mắm Thái An bắt đầu góp mặt trên các kệ ở nhiều chợ, cửa hàng đặc sản trong tỉnh. Không dừng lại ở đó, sản phẩm còn xuất hiện ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum, ra tận Thanh Hóa hoặc vào TP Hồ Chí Minh. “Đúng là với những người dân như chúng tôi, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gặp không ít khó khăn nhưng bù lại khi sản phẩm được thị trường chấp thuận thì bao nhiêu vất vả tan biến. Hiện tại, doanh số tháng sau đều tăng hơn tháng trước, đa số khách hàng đã mua dùng đều tín nhiệm và quay lại, chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển khách hàng mới”, anh Cầu cho biết.
Với những cơ sở đăng ký bảo hộ sản phẩm đã nhiều năm, việc duy trì và phát huy thương hiệu là một áp lực, nhưng đây cũng là động lực phát triển. Năm 2006, HTXNN Ngọc An (huyện Hoài Nhơn) đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mang tên “Bánh tráng nước dừa Ngọc An”. Đến nay, sản phẩm đã có mặt khắp các địa phương trong Nam ngoài Bắc. Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An cho biết, sản phẩm còn được dán tem truy xuất nguồn gốc nên càng được khách hàng tin tưởng. Sau khi được bảo hộ, cơ sở phải nỗ lực cải thiện chất lượng vì đăng ký bảo hộ chỉ là bước đầu. Khách hàng ngày càng khó tính và kỹ lưỡng, phải thuyết phục họ bằng chính chất lượng sản phẩm thì mới mở rộng được thị trường”. Cũng vì “thương” cái “hiệu” Ngọc An mà cũng là một chiếc bánh tráng nhưng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra gần gấp rưỡi số tiền để mua sản phẩm của Ngọc An.
Tại lớp tập huấn Sở KH&CN phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tại TP Quy Nhơn vào sáng 23.7 với chủ đề “Đăng ký, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của địa phương”, những chuyên gia đến từ Cục Sở hữu trí tuệ đã nhắc nhớ đến một số vụ tranh chấp thương hiệu và cảnh báo về việc nếu không nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu cho mình, đôi khi đến lúc muốn cũng không làm được vì đã có người đăng ký trước rồi.
Bà Ngô Phương Trà, Phụ trách Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng giải thích: “Theo quy định, tên nhãn hiệu đăng ký sau không được gây nhầm lẫn với tên đã được đăng ký trước đó cho cùng một sản phẩm dịch vụ”. Trên thực tế, những năm qua, Phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) đã tham gia giải quyết không ít trường hợp nhãn hiệu sản phẩm địa phương không được chấp nhận do tên nhãn tương đồng với tên đã được tổ chức, cá nhân ở tỉnh, thành khác đăng ký. Trường hợp tranh chấp điển hình nhất mà nhiều người, nhiều DN ở Bình Định chắc chắn không quên là “rượu Bàu Đá”.
Ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở KH&CN, trao đổi: “Không ít DN chia sẻ kinh nghiệm khi có quyết định đăng ký sản xuất, kinh doanh thì đồng thời đăng ký bảo hộ sản phẩm luôn. Dù vậy, theo quy định, nếu đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu rồi mà trong vòng 5 năm chủ sở hữu không sử dụng liên tục nhãn hiệu (sản phẩm không ra được thị trường gắn với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ) thì văn bằng bảo hộ tự động không còn hiệu lực nữa. Điều này cho thấy, việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm không hề đơn giản, nhất là sản phẩm làng nghề truyền thống. Bà con đừng chần chữ nữa mà hãy suy nghĩ, xem xét thật nghiêm túc việc này, tránh chuyện rơi vào tranh chấp hoặc bị mất thương hiệu một cách đáng tiếc”.
NGỌC TÚ