Người thương binh vượt khó làm giàu
Bằng ý chí, nghị lực của người lính cụ Hồ “tàn nhưng không phế”, ông Trương Văn Bảy (ảnh), thương binh loại 2 (thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) đã vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu nhờ trồng cây chanh trên vùng gò đồi.
Năm 1979, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trương Văn Bảy hăng hái lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 860, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Năm 1983, trong một trận đánh sống còn với địch, ông bị mất một chân. Từ đó, mỗi khi trái gió, trở trời vết thương lại đau nhức, sức khỏe giảm sút, song ông không chịu khuất phục, quyết tâm vươn lên từ cái nghèo khó.
Sau khi tìm hiểu thông tin qua báo đài và học hỏi kinh nghiệm ở một số người trồng chanh, năm 1993, ông Bảy mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng chanh trên vùng đất rẫy do chính tay ông khai hoang. Ban đầu ông trồng khoảng 500 gốc, sau đó nhân rộng lên 600 gốc. Ông Bảy cho biết: Chanh rất dễ trồng và phù hợp với mọi loại đất, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định.
Ông Dương Ngọc Hùng, Trưởng thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn), cho biết: Thấy hiệu quả từ ông Bảy, nhiều hộ trong thôn đã nhân rộng trồng chanh. Đến nay cả thôn đã có gần 50 hộ chuyên canh cây chanh với tổng diện tích hơn 25 ha.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng chanh, rẫy chanh của ông Bảy lúc nào cũng xanh mướt, sai trĩu quả. Mỗi cây cho thu hoạch từ 10-15kg quả/lần. Chanh vào mùa, các con buôn đến tận nhà thu mua, giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Có những thời điểm trái vụ, giá chanh tăng lên đến 40.000 đồng/kg. Nhờ cây chanh, gia đình ông Bảy có nguồn thu nhập khá. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình từ 70- 80 triệu đồng.
“Dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, năng động trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, ông Trương Văn Bảy xứng đáng là tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo ở địa phương”, ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Bình Tường khẳng định.
PHONG THỦY