Chiếm đoạt tài sản bằng lòng tin
Ðiểm chung của tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chính là lợi dụng lòng tin từ mối quan hệ quen biết, làm ăn, ký kết hợp đồng để rồi bội tín, chiếm đoạt tài sản của người khác.
Quang cảnh 1 phiên tòa xét xử tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng lòng tin
Sau nhiều lần hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung, chiều 1.8, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã đưa ra xét xử vụ án Phan Lâm Hơn (SN 1959) cùng đồng bọn phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương, chi nhánh Bình Định. Tòa đã tuyên phạt các mức án: 12 năm tù giam đối với bị cáo Hơn và Phạm Thị Bình (SN 1959), 10 năm tù giam đối với bị cáo Phạm Thị Thu Thảo (SN 1967, TP Quy Nhơn).
Theo cơ quan tiến hành tố tụng, thủ đoạn trong vụ án này là các bị cáo Hơn và Bình lập khống chứng từ vay mượn tiền nhằm mục đích chuyển giao tài sản cho bị cáo Thảo để tẩu tán số tài sản mà các bị cáo đã thế chấp cho ngân hàng trước đó. Tại phiên tòa, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi bội tín của mình. Bị cáo Bình nói: “Tất cả các hợp đồng vay ký kết với ngân hàng Công ty TNHH Thanh Bình đã thanh toán xong nợ, gồm 10 hợp đồng ngắn hạn và 2 hợp đồng trung hạn”.
Đã 4 lần lãnh án tù cùng tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, và lần này tiếp tục bị hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 3 năm, 6 tháng tù giam cũng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Xuân Thông (SN 1982, huyện Phù Cát) ngụy biện rằng: “Do bị cáo nợ nần chồng chất, bí quá không biết xoay xở thế nào nên mới tìm cách mượn tạm, chứ nói thật ra thì ai dám cho vay...”.
Thủ đoạn của Thông trong vụ án này là làm quen với chị T.M. (TP Quy Nhơn), nói dối mình có nhà ở TP Hồ Chí Minh, làm tài xế lái xe 7 chỗ, đến Quy Nhơn thì bị hư xe ở Phú Tài. Thông hứa hẹn sẽ cưới chị M. và cùng vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Chị M. tưởng thật nên dẫn Thông về giới thiệu với gia đình. Sau khi tạo được lòng tin, Thông lấy cớ ô tô đang bị hỏng, cần tiền và mượn xe để đi coi thợ sửa ô tô nên đã lấy 2 xe máy và tiền mặt của chị M. và người nhà chị M. Sau đó, Thông mang cầm cố, đánh bạc và bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh.
Theo cơ quan tiến hành tố tụng, tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều đưa ra lý do phạm tội, song điểm chung của họ chính là lợi dụng lòng tin của người khác để chiếm đoạt tài sản. Đơn cử như vụ án Bùi Văn Đ. (SN 1987, TX An Nhơn) mà cơ quan chức năng đang thụ lý. Đ. dùng thủ đoạn thuê xe ô tô phục vụ công việc cá nhân, vài lần thanh toán đúng hẹn rồi sau đó tiếp tục thuê 3 ô tô mang đi cầm cố lấy tiền rồi bỏ trốn.
Theo ông Đỗ Văn Quý, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế chức vụ, Viện KSND tỉnh, thì: “Tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không nhiều so với các loại tội phạm khác, song hệ lụy gây ra lại nặng nề bởi số tiền trong từng vụ án thường nhiều và kéo theo nhiều bị hại. Và hành vi phổ biến của loại tội phạm này là lúc đầu vay tiền hoặc thông qua hợp đồng kinh doanh, dựa trên mối quan hệ quen biết rồi sau khi nhận được tiền lại bội tín để chiếm đoạt tài sản. Nhìn chung là vậy, song trong từng vụ án thủ đoạn, phương thức lại khác nhau và cũng khá tinh vi khiến nạn nhân dễ bị sập bẫy”.
Cần thận trọng
Thực tế, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản diễn ra dưới nhiều hình thức: Dùng thủ đoạn bị cướp để chiếm đoạt; mua bán, cầm cố, thế chấp tài sản cho người khác để lấy tiền tiêu xài rồi bỏ trốn. Trong đó, nạn nhân thường có quan hệ gia đình, bạn bè, đối tác làm ăn, người sử dụng lao động… với người phạm tội. Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, nguyên nhân chủ yếu của tội phạm này là do một số người luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, bất chấp thủ đoạn kể cả phạm pháp để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản người khác. Vì vậy, đa phần trong các vụ án này, tài sản để thi hành án gần như không có.
Để phòng ngừa không bị người khác lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong giao dịch với đối tác, kể cả người quen, phải tuân theo các quy định của pháp luật. “Chúng ta cần cho vay mượn tiền, tài sản theo đúng quy định của pháp luật và giữ tài sản thế chấp hợp pháp; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong giao dịch dân sự mà mình đã giao kết, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ thất thoát hoặc mất tài sản do bị lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tránh những thiệt hại, hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội”, ông Quý cảnh báo.
Q. THÀNH