Cơ sở y tế sử dụng hóa đơn điện tử: Giảm đợi chờ, tăng hiệu quả
Hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quản trị hữu hiệu không chỉ giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động, mà còn rút ngắn thời gian chờ đợi thanh toán viện phí và BHYT cho bệnh nhân.
Nhân viên thanh toán viện phí BVĐK Khu vực Bồng Sơn xuất hóa đơn điện tử cho bệnh nhân.
Tự động hóa, bớt chờ đợi
10 giờ sáng 1.8, quầy thanh toán viện phí và BHYT tại TTYT huyện Hoài Nhơn không còn cảnh bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chờ đợi. Sau khi nộp tất cả giấy tờ cần thiết từ khoa điều trị nội trú tại quầy thanh toán viện phí, chỉ 1 phút sau chị Nguyễn Thị My (thị trấn Tam Quan) đã nhận hóa đơn ghi rõ thanh toán 20% viện phí cùng chi trả cho con gái Võ Như Quỳnh.
“Nếu trước đây, bệnh nhân ra viện bị dồn ứ và phải xếp hàng ngay ở quầy thanh toán viện phí thì giờ không cần phải chờ đợi lâu. Những thay đổi này giúp bệnh nhân và người nhà chúng tôi phần nào thấy dễ chịu hơn khi phải thực hiện những thủ tục tại bệnh viện”, chị My chia sẻ.
Chị Phan Thị Hiền Lương, nhân viên kế toán bộ phận thanh toán viện phí của TTYT huyện Hoài Nhơn, lý giải: “Toàn bộ thông tin của bệnh nhân, các dịch vụ kỹ thuật và chi phí được liên thông từ phòng khám, khoa điều trị, đến bộ phận thanh toán viện phí, các biến động liên quan đến bệnh nhân đều được cập nhật kịp thời nên khi cần là có thể in ngay hóa đơn cho bệnh nhân. Mỗi ngày, bộ phận viện phí chỉ cần 1 người làm, với khoảng 150 hóa đơn điện tử xuất dùng cho bệnh nhân, thay vì phải bố trí 2 nhân viên làm hóa đơn bằng tay như trước đây. Chưa kể, với hóa đơn điện tử việc xuất hóa đơn cho các dịch vụ y tế sử dụng ngân sách cấp và dịch vụ xã hội hóa cũng nhanh, gọn hơn”.
Cơ sở cũ kỹ, xuống cấp và luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân, nhưng từ khi triển khai hóa đơn điện tử, cuối năm 2018 đến nay, TTYT huyện Hoài Nhơn đã “ghi điểm” rất nhiều với bệnh nhân nhờ giảm thời gian chờ đợi. Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn Trần Hữu Vinh cho biết, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân. Việc ứng dụng hóa đơn điện tử giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, mọi thông tin đều được minh bạch. Nhờ ứng dụng công nghệ, bệnh viện giảm đến 10 nhân viên kế toán bộ phận nhập hồ sơ BHYT và thanh toán viện phí.
Cuối giờ chiều, bộ phận thanh toán viện phí của BVĐK khu vực Bồng Sơn thường bị dồn ứ bệnh nhân và người nhà làm thủ tục thanh toán, ra viện; nhưng từ đầu tháng 5.2019 đến nay cảnh này đã không còn nữa. Tình trạng nhân viên bộ phận thanh toán viện phí cũng không phải tăng ca làm đêm để hoàn tất xử lý công việc như hóa đơn giấy trước đây nữa.
Bình quân mỗi ngày BVĐK khu vục Bồng Sơn có 650 bệnh nhân khám, điều trị, trong đó phải xuất dùng khoảng 300 hóa đơn, nếu mua hóa đơn bán hàng như trước (giá 28.000 đồng/50 tờ, tương ứng 560 đồng/tờ) thì sử dụng hóa đơn điện tử chỉ mất chi phí 390 đồng/tờ. Không chỉ tiết kiệm chi phí, giảm sự đợi chờ, với hóa đơn điện tử, nhân viên bộ phận viện phí còn đảm bảo độ chính xác thông tin ở mức cao nhất; giảm nhân sự ở bộ phận kế toán thanh toán viện phí và thống kê BHYT; mang lại hiệu quả kinh tế cho bệnh viện. “Nhưng cái được nhất và hiệu quả nhất hóa đơn điện tử mang lại là giảm thiểu thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Thay vì nhân viên thanh toán viện phí phải viết tay từng hóa đơn mất gần chục phút mới xong thì xuất hóa đơn điện tử cho từng bệnh nhân chỉ chừng non 1 phút”, ông Đạt đánh giá.
“Phủ sóng” hóa đơn điện tử
Bên cạnh chất lượng khám chữa bệnh (KCB), việc đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có tác động tích cực đến tinh thần của bệnh nhân và người nhà, điều này cũng góp phần tăng hiệu quả điều trị. Từ số ít đơn vị áp dụng, đến nay, đã có 2 BVĐK và 8 TTYT huyện, thị xã, thành phố của tỉnh ứng dụng hóa đơn điện tử.
“Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, BVĐK tỉnh tiếp nhận khám, điều trị khoảng 1.200 bệnh nhân/ngày, số hóa đơn xuất ra rất lớn. Từ 1.7.2019, BVĐK tỉnh phối hợp Tổng Công ty Viễn thông Viettel triển khai thực hiện hóa đơn điện tử. Đến nay, bệnh viện đã sử dụng hơn 12.000 hóa đơn điện tử, bình quân hơn 1.000 hóa đơn/ngày. Quy trình tạo lập hóa đơn điện tử chỉ bằng các thao tác đơn giản, lưu trữ ngay trên phần mềm. Bệnh nhân truy cập, tra cứu, tải và nhận hóa đơn điện tử ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào qua các kênh website, tin nhắn SMS, email…”, ThS. Hoàng Thị Phương, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, BVĐK tỉnh cho biết.
Lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại cho các cơ sở KCB là không thể chối cãi. Điều này càng phù hợp với xu hướng chung và theo đúng định hướng áp dụng công nghệ vào nâng cao hiệu quả KCB, tạo niềm tin và sự hài lòng ở bệnh nhân. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, mới có các BVĐK tuyến tỉnh, TTYT tuyến huyện có hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo đẩy mạnh ứng dụng hóa đơn điện tử. Sở đã có kế hoạch, trong năm nay, tất cả các cơ sở KCB còn lại như bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện miền núi cũng phải triển khai hóa đơn điện tử. “Hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp trong chuỗi các hoạt động cải cách hành chính của cơ sở KCB, tạo sự thay đổi tích cực trên cả hai phương diện: rút ngắn thời gian KCB và mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Rõ ràng, việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, giảm phiền hà cho người bệnh cũng là một cách để làm hài lòng bệnh nhân, bên cạnh việc nâng cao trình độ tay nghề của bác sĩ, nâng cao chất lượng KCB”, ông Hùng nhấn mạnh.
MAI HOÀNG