Tiêu dùng thông minh để bảo vệ môi trường
Vài năm gần đây, khi ngày càng quan tâm nhiều hơn đến môi trường, người ta tích cực thay đổi bản thân, từ bỏ dần các hành vi có thể làm tổn hại đến môi trường, đặc biệt là các hành vi tiêu dùng. Nhiều người để ý sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ một bộ dụng cụ sinh hoạt cá nhân bằng tre gồm ống hút, thìa, đến bình thủy tinh đựng nước, bộ cà mèn đựng thức ăn, đi chợ mang theo giỏ tôi bắt đầu học cách ứng xử thân thiện hơn với môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng những vật dụng bằng nhựa, đặc biệt những vật dụng sử dụng 1 lần.
Một tín hiệu tích cực, nhiều người chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Trong ảnh: Một cửa hàng bày bán các sản phẩm thân thiện từ tre tại TP Quy Nhơn.
Chúng ta đã thấy rác thải bủa vây khu dân cư, rác từ hè phố, hẻm nhỏ đến công viên xanh; chúng ta cũng thấy các hoạt động dọn dẹp, làm sạch môi trường gần như không theo kịp cường độ, khối lượng rác thải. Đô thị càng phát triển, rác thải ra môi trường càng nhiều hơn. Một thực tế là ngày nay ta đã quá quen việc tiêu dùng các sản phẩm tiện lợi. Rất lâu rồi ta không còn thấy những bà nội trợ xách giỏ ra chợ, không thấy người ta đi mua thức ăn bằng những chiếc cà men, càng không còn thấy chuyện mang chai đi mua dầu, mắm, nước tương nữa! Khi người tiêu dùng quen dần với những đồ dùng tiện lợi, có nghĩa hành vi của ta đã tạo rác thải và phần nhiều là những loại rác khó phân hủy, phá hoại môi trường, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên.
Mọi người suy nghĩ, giảm một chiếc túi nylon, một ống hút nhựa chẳng giải quyết được gì. Điều này không phải thế, một ngày dùng giỏ xách và hộp đựng thực phẩm đi chợ, chúng ta không cần sử dụng tới ít nhất 5 chiếc túi nylon. Một gia đình giảm 5 túi nylon, chỉ cần 10 hộ dân quanh xóm như thế nghĩa là một ngày không sử dụng 50 chiếc túi. Không dùng túi nylon, bạn sẽ không băn khoăn với việc những chiếc túi nylon vứt ở đâu sau khi dùng, ai sẽ gom lại và tái chế nó…
Hạn chế dùng đồ tái chế một lần; thực hiện phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường. Chị Phùng Thanh Miền, chủ một nhà vườn ở thôn Háo Lễ (xã Phước Hưng, Tuy Phước), phân loại rác tại nguồn từ gia đình, tạo ra sản phẩm phân hữu cơ an toàn cho những cây trồng tại vườn. “Khi phân loại rác tại nhà, các thành viên đã ý thức được rác vô cơ tác động xấu đến môi trường; rác hữu cơ có thể tái sử dụng khi biến thành phân sinh học an toàn. Từ đó, việc thỏa hiệp sử dụng túi nylon, đồ nhựa giảm hẳn”, chị Miền cho biết.
Trong chừng mực nhất định, thay đổi hành vi tiêu dùng tích cực, thông minh từ chính các bà nội trợ, góp phần không nhỏ tới việc bảo vệ môi trường; hạn chế rác thải từ khu dân cư.
QUANG BẢO
cho tôi hỏi cửa hàng này nằm ở đâu