Ðừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Tháng 10.2017, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đối với Việt Nam. Mặc dù bị phạt từ năm 2017, nhưng đến nay câu chuyện “thẻ vàng” vẫn thu hút được sự chú ý của nhiều giới, vẫn khiến nhiều người lo lắng.
Thời gian qua, cả nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng đã nỗ lực triển khai quyết liệt nhiều giải pháp chống khai thác IUU. Tuy được Bộ NN&PTNT đánh giá là một trong những tỉnh, thành thực hiện tốt nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” thủy sản, nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Và đây cũng là một trong những vấn đề mà EC quan tâm nhất - hải sản phải được đánh bắt hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng.
Việc xử lý tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài gặp không ít khó khăn, trước tiên là do việc thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm không dễ vì khi tàu cá và ngư dân vi phạm, cơ quan chức năng chỉ nhận được thông báo của nước sở tại qua đường ngoại giao. Việc giám sát tất cả tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ở vùng khơi, vùng biển ranh giới với các nước trong khu vực chưa thực hiện được. Đường phân định ranh giới biển của Việt Nam và một số nước trong khu vực chưa rõ ràng, có một số vùng chồng lấn nên có trường hợp ngư dân khai thác ở vùng biển này bị nước ngoài bắt giữ trái phép…
Song, thẳng thắn mà nói, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do một số chủ tàu, thuyền trưởng dù biết quy định nhưng vì hám lợi, cố tình vi phạm. Thậm chí đã xảy ra trường hợp, thuyền trưởng - chủ tàu cá cố tình cho tàu chạy vào vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép, bất chấp lời can ngăn của các thuyền viên trên tàu. Khi không thuyết phục được, những người can ngăn đã nhảy luôn xuống biển, tìm cách bỏ trốn vì sợ bị nước ngoài bắt giữ.
Nếu tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vẫn tiếp tục diễn ra, nguy cơ EC sẽ chuyển từ “thẻ vàng” sang “thẻ đỏ” - mức phạt cao hơn là rất rõ ràng. Khi đó thiệt hại không chỉ diễn ra với ngành thủy sản mà sẽ còn tác động xấu đến toàn nền kinh tế Việt Nam, gây hậu quả khó lường. Để ngăn chặn tình huống xấu này diễn ra, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phải quyết liệt vào cuộc, xử lý mạnh tay hơn nữa đối với ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” chỉ vì một số ít ngư dân vi phạm mà ảnh hưởng đến cả tỉnh, cả nước!
ÐOÀN NGỌC NHUẬN