Nói không với rác thải nhựa, túi ni lông: Phụ nữ tích cực góp phần
Góp phần cùng với toàn xã hội trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa là những cá nhân, nhóm phụ nữ tâm huyết với vấn đề bảo vệ môi trường. Họ kiên trì, nghiêm túc thực hiện mỗi ngày, tận dụng tối đa dịp để tuyên truyền… mong đóng góp phần mình và hy vọng tạo sự lan tỏa.
Từ chỗ tò mò, thậm chí trêu chọc, người ở chợ Mới - Diêu Trì đã quen và cảm tình với cách đi chợ của chị Lan: giỏ xách, hộp đựng thay thế hoàn toàn bì nhựa.
Không bì nhựa, không có gì bất tiện
Qua gần 2 tháng đều đặn thực hiện, đến nay, việc chị Đặng Thị Phương Lan, 49 tuổi, ở thôn Vân Hội 1, thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) mang theo hộp nhựa để đựng khi đi chợ không làm người ta thắc mắc hay trêu đùa nữa. Ở chợ Mới - Diêu Trì, tất cả bạn hàng của chị đều đã quen, nên khi chị chưa đưa hộp ra thì nán chờ chút hoặc giao sau, “chứ có lật đật hay tiện tay bỏ vô bì đưa thì nó cũng gỡ cái bì ra, mất công” - bà Trần Thị Dư, bán rau củ tại chợ, nói về khách hàng “đặc biệt” này.
Sáng 2.8, chị Lan đi chợ bình thường như mọi buổi đi chợ trong 2 tháng nay. Đã định sẵn những thứ cần mua, chị mang theo 5 hộp nhựa cỡ trung có nắp, tất cả nằm gọn gàng trong chiếc giỏ nhựa. Theo chị Lan, trước khi tham gia mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông” của Hội LHPN thị trấn Diêu Trì, gia đình chị cũng đã rất hạn chế sử dụng bì nhựa. “Tham gia mô hình, tôi càng thấy mình có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc hơn. Tôi cứ tự hỏi đi chợ, sinh hoạt hằng ngày không cần bì nhựa có được không và chọn cách đi chợ bằng hộp nhựa dùng nhiều lần như thế. “Rảnh quá bà Lan ơi”, “Để coi bả làm được mấy ngày”, “Chuyện xã hội, rác nhựa hàng tấn tấn, mình mình thì làm được gì mà bà khéo lo”… là những câu thể hiện sự hiếu kỳ, trêu chọc, có cả ái ngại, sẻ chia mà tôi nhận được trong những ngày đầu. Lường trước nên tôi chẳng mấy mắc cỡ, làm riết 2 tháng nay bà con cũng quen, một số người, nhất là các cô lớn tuổi còn khen chịu khó, sạch sẽ, bảo sẽ khuyên con, cháu thực hiện, nghe vậy cũng mát lòng”, chị Lan chia sẻ.
Không ít người đổ lỗi, bao biện cho việc chưa hưởng ứng tốt phong trào giảm thiểu rác thải nhựa là bởi bận rộn, rằng việc đi chợ với giỏ, xách thay bì nhựa hợp hơn với những phụ nữ chỉ ở nhà làm nội trợ, người đã nghỉ hưu vốn thong thả thời gian hơn. Qua 2 tháng thực hiện, điều làm chị Lan phấn khởi, có động lực tiếp tục hơn cả là gia đình nhận ra, cuộc sống không có bì nhựa không có gì là bất tiện hay không thể cả.
Cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Phước Hưng phát lá chuối kết hợp tuyên truyền tại chợ Háo Lễ.
Lan tỏa phong trào
Theo chị Huỳnh Thị Sằn, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Diêu Trì, lan tỏa từ chị Lan, một số chị em cũng chịu khó nghĩ ra, áp dụng nhiều cách để hạn chế sử dụng bì nhựa, giảm lượng rác thải ra môi trường. Phổ biến là mua bì nhựa dễ phân hủy mang theo khi đi chợ, mua hàng hóa (không nhận bì của người bán). Hay như kế hoạch xây bồn hoa từ chai nhựa mà Hội LHPN thị trấn Diêu Trì đang triển khai trong hội viên. Theo đó, mỗi hội viên vận động gia đình thực hiện và duy trì bỏ lượng bì nhựa không còn tận dụng sử dụng được vào chai nhựa thải ra, sau đó dùng những chai nhựa này làm thành bồn hoa, đường viền bảo vệ đường hoa. Đây là cách xử lý hiệu quả với lượng bì nhựa, chai nhựa thải được nhiều nơi áp dụng mà các chị tham khảo trên mạng.
Bên cạnh những điển hình cá nhân, phong trào thời gian gần đây cũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông do một số hội phụ nữ cơ sở khởi xướng, hoạt động. Mới nhất có thể kể đến là buổi truyền thông Phiên chợ xanh - nói không với túi ni lông, rác thải nhựa do Hội LHPN xã Phước Hưng tổ chức (phối hợp cùng UBND xã và Đoàn xã) tại chợ Háo Lễ ngày 21.7. Bên cạnh truyền thông về tác hại của rác thải nhựa đến sức khỏe, môi trường, Ban tổ chức đã hướng dẫn người dân về những sản phẩm thay thế, tặng giỏ xách, giấy, lá chuối, kêu gọi người dân chung tay thực hiện với phương châm: thay thế - tiết giảm - tái sử dụng.
Tại Hoài Hương, Hoài Nhơn – địa phương hưởng ứng, thành lập khá sớm mô hình Vận động hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông (gồm 4 mô hình tại 4 thôn: Ca Công, Ca Công Nam, Nhuận An Đông, Thạnh Xuân Bắc), không chỉ 60 phụ nữ tham gia mô hình mà phần đông phụ nữ ở đây đã quen với việc sử dụng giỏ đi chợ. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Trương Thị Hồng Ngân, mong muốn của nhiều chị em là sớm được tiếp cận với sản phẩm bì nhựa dễ phân hủy để việc thực hiện triệt để, thuận lợi hơn. Tương tự, mô hình Xách giỏ đi chợ do Hội LHPN xã Ân Tín, huyện Hoài Ân thành lập từ tháng 6.2019, trong quá trình các thành viên tuyên truyền về việc giảm sử dụng bì nhựa cũng gặp khó khi sản phẩm thay thế, phổ biến là bì nhựa dễ phân hủy hầu như chưa thấy bán tại địa phương.
Bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhìn nhận, việc thị trường nhất là địa bàn nông thôn chưa kịp thời cung ứng các sản phẩm thay thế nhựa, cần nhất là bao bì nhựa dễ phân hủy, hiện là trở ngại của phong trào. Là tổ chức tích cực tham gia phong trào, Hội LHPN tỉnh mong lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng quan tâm, có giải pháp khắc phục để kịp thời cổ vũ phong trào ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện.
SAO LY