Hoài Ân - miền đất trung du
Vùng trung du Hoài Ân là đất học, đất lành mở cuộc làm ăn…, đã là chuyện xưa nay. Ðiểm mạnh của Hoài Ân những năm gần đây là phát triển nông nghiệp gắn với các cây trồng thế mạnh, trên diện tích lớn, tạo được sản phẩm hàng hóa. Và nay, lãnh đạo địa phương đã và đang tìm cách để tổng hòa các thế mạnh ấy phát huy vào lĩnh vực du lịch.
Di tích Văn chỉ Hoài Ân - minh chứng cho truyền thống hiếu học của vùng đất này.
Hoài Ân đất học, đất lành
“Đất học Hoài Ân”, hẳn là nhiều người đã nghe cách ví von này khi nói về Hoài Ân. Di tích “Văn chỉ Hoài Ân” tại thôn Hội An, xã Ân Thạnh là minh chứng cho truyền thống hiếu học của vùng đất này. Nhưng ít người biết rằng đây là 1 trong 3 văn chỉ hàng huyện được Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc tới. 37 vị đỗ đạt trong các kỳ khoa cử dưới triều Nguyễn của vùng đất Hoài Ân, Hoài Nhơn đã được ghi danh bảng vàng tại Văn chỉ.
Về Hoài Ân, đi dọc bờ sông Kim Sơn theo hướng Bắc, một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được kết nối với nhau, tạo thành điểm tham quan khá ấn tượng. Từ thị trấn Tăng Bạt Hổ đi về xã Ân Thạnh, điểm dừng chân đầu tiên là Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ - di tích lịch sử cấp Quốc gia được công nhận năm 2013. Đền thờ được xây dựng trên chính phần đất của dòng họ Tăng, được trông coi, bảo vệ bởi con cháu trong dòng họ.
Di chuyển tới di tích lịch sử Núi Chéo (thuộc địa phận hai thôn Hội An, Phú Văn của xã Ân Thạnh), di tích Văn chỉ Hoài Ân, điểm dừng chân cuối cùng là Nhà lưu niệm chi bộ Vạn Đức (xã Ân Tín). Dưới gốc cây di sản - cây đa sộp trong khuôn viên Nhà lưu niệm chi bộ Vạn Đức, truyền thống yêu nước và những cống hiến to lớn của những thế hệ cha, ông sẽ được nhắc nhớ - như một cách ôn lại lịch sử, giản dị mà gần gũi.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia - Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ.
Một điểm cộng cho tuyến tham quan là tất cả các di tích lịch sử - văn hóa ở Hoài Ân đều được chính quyền địa phương cùng người dân xây dựng, giữ gìn, bảo vệ kỹ lưỡng nên môi trường và cảnh quan ở những điểm đến sạch sẽ, hài hòa.
Tour Hoài Ân trong liên kết vùng
“Hoài Ân được định hình xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, phát triển sản phẩm đặc trưng góp phần làm phong phú thêm tour du lịch về các huyện phía Bắc tỉnh trong tương lai” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, Nguyễn Xuân Phong chia sẻ. Quả thật, đến với Hoài Ân ta sẽ có cơ hội trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống của những nông dân trên những trang trại đang phủ màu xanh của cây bưởi da xanh, của bơ sáp, của dừa xiêm. Từ trung tâm du lịch phía Bắc tỉnh - huyện Hoài Nhơn, rất thuận tiện cho du khách khi có ý định về thăm vùng đất trung du Hoài Ân. Di chuyển theo tuyến tỉnh lộ 630 từ ngã 3 Cầu Dợi (thôn Lại Khánh, Hoài Đức, Hoài Nhơn) lên thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) khoảng 9 km. Từ trung tâm thị trấn, bạn có thể chọn điểm tham quan theo tuyến di tích dọc các xã phía Bắc; ghé thăm các khu vườn cây trái đang lên xanh.
Nếu chọn xuất phát từ Phù Mỹ, di chuyển theo tuyến đường phía Tây tỉnh đi qua các xã Mỹ Hòa, Mỹ Trinh (Phù Mỹ), bạn sẽ có một tour liên kết khác gồm các điểm dừng chân đèo Mằng Lăng - hồ chứa nước Thạch Khê (Ân Tường Đông), đến Đồi chè Gò Loi (Ân Tường Tây), vòng về thị trấn Tăng Bạt Hổ, ghé các nhà vườn, thăm di tích lịch sử - văn hóa của huyện. Từ Hoài Ân việc kết nối tour lên An Lão khá thuận lợi, trên cung đường di chuyển này, du khách sẽ gặp được hình ảnh những ruộng dâu xanh mướt ven sông, được tìm hiểu về một trong những nghề truyền thống nơi đây là trồng dâu, nuôi tằm.
THU DỊU