Rộn vang sắc màu và nhịp điệu núi rừng
Vĩnh Thạnh là một trong các địa phương bảo tồn văn hóa dân gian khá tốt. Mỗi lần về Vĩnh Thạnh, sắc màu thổ cẩm, giai điệu cồng chiêng và những vòng xoang Bana Kriêm cứ quyến luyến du khách, như muốn níu chân người ở lại...
Biểu diễn cồng chiêng tại làng Đăk Tra, xã Vĩnh Kim.
Tôi còn nhớ ngày lên Kon Trú, xã Vĩnh Kim, năm 2018, các nghệ nhân Yang Danh, Đinh Chương, Đinh Y Băng cùng nghệ nhân trong làng ngồi lại, nói chuyện về văn hóa Bana. Họ nói say sưa, cho đến khi những nghệ nhân trẻ mang bộ cồng chiêng vào nhà rông, cất lên những âm vang núi rừng cùng những bước chân nhịp nhàng vòng xoang của những thiếu nữ Bana dịu dàng trong nếp áo truyền thống, khiến người xem không rời mắt. Khi đêm xuống, quanh ché rượu cần, bao chuyện đất chuyện làng, niềm trăn trở về văn hóa bản xứ được các nghệ nhân trải lòng. Ai nấy đều như chung niềm tâm sự, phải giữ, giữ tiếng chiêng, giữ điệu xoan, giữ hơ mon, giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình...
Chiều 3.8, tại xã Vĩnh Sơn diễn ra Ngày hội văn hóa cồng chiêng xã Vĩnh Sơn lần thứ I, năm 2019. Tham gia Ngày hội có: Ðội cồng chiêng của 6 thôn thuộc xã Vĩnh Sơn; Công đoàn xã Vĩnh Sơn; đội cồng chiêng xã Vĩnh Kim. Ngày hội là dịp giao lưu của các đội cồng chiêng của xã, kích thích phong trào luyện tập, trao truyền văn hóa cồng chiêng.
THẢO KHUY
Cuối tháng 7 vừa rồi, ở làng Đăk Tra, xã Vĩnh Kim, tôi thực sự ấn tượng với đêm giao lưu văn nghệ giữa Đoàn Trại sáng tác VHNT trẻ Bình Định với đồng bào. Dân làng Đăk Tra đã trình tấu nhiều tiết mục văn nghệ dân gian Bana Kriêm: Trình diễn cồng chiêng, chơi đàn preng, blơng khơng, hát dân ca và những tiết mục múa dân gian hết sức đáng yêu của những đứa trẻ Bana.
Chị Đinh Thị Nhiên trong đội văn nghệ làng Đăk Tra tâm sự: “Chúng tôi mỗi khi lên rẫy về hay tập trung lại nhà rông làng để luyện tập. Một bài múa, trình tấu cồng chiêng không có nhiều động tác, nhưng cần phải đều, nhịp nhàng, ăn khớp giữa âm thanh cồng chiêng và điệu múa. Mỗi lần lễ hội, giao lưu văn nghệ, mừng lúa mới, người làng lại tụ hội về nhà rông biểu diễn, ca hát, vít rượu cần. Vui lắm. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng này gắn kết mọi người lại gần nhau hơn”.
Mới vừa rồi, nghe bạn tôi, anh Bùi Ngọc Thanh (ở làng K2, Vĩnh Sơn), phấn khởi: “Nhiều ngày nay các làng ở Vĩnh Sơn rộn rịp lắm. Đêm xuống, sau ngày lên rẫy, bà con lại xúm tụm luyện tập cồng chiêng, sao cho đánh hay, múa đẹp để chuẩn bị cho hội thi trình tấu cồng chiêng giữa các làng của xã Vĩnh Sơn”. Nghe Thanh kể, xem video Thanh ghi lại cảnh luyện tập của bà con, tôi lại muốn dời chân trở lại Vĩnh Thạnh, tìm lên Vĩnh Sơn.
Những năm gần đây, nhiều hoạt động phong trào nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian diễn ra đều khắp, thường xuyên ở các xã huyện Vĩnh Thạnh. Đặc biệt từ khi được tỉnh tặng cồng chiêng, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dường như cuồn cuộn những dòng sinh lực mới. Anh Minh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim chia sẻ, địa phương hay tổ chức các hoạt động gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền và nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Bà con chí thú làm ăn nhưng không quên làm phong phú tinh thần mình bằng tiếng hát, lời ca, bằng những điệu múa dân gian và những bài cồng chiêng cha ông để lại. Xã cũng đang lập kế hoạch để trình lên UBND huyện xin tổ chức thi diễn tấu cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống và văn nghệ trong thời gian sắp đến.
“Thi diễn tấu cồng chiêng” là cụm từ tôi được nghe nhiều nhất trong những lần đến Vĩnh Thạnh trong quãng gần 2 năm gần đây. Đem điều này ra trao đổi với ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh, thì ông Oai sôi nổi hẳn lên: Từ khi có sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt là năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức trao 31 bộ cồng chiêng cho các làng ở huyện Vĩnh Thạnh, điều đó như tiếp lửa gìn giữ bảo tồn văn hóa bản địa. Bà con ở làng hết sức phấn khởi. Hiện tại, mỗi làng đều có một CLB cồng chiêng tập hợp các thế hệ già trẻ có sự say mê và khiếu biểu diễn. Mỗi CLB có hơn 25 người. Trong đó có ít nhất 15 nam và 10 nữ. Huyện Vĩnh Thạnh vốn đã tổ chức và duy trì được lễ hội cồng chiêng thường niên, cố gắng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, nay khi các làng cũng tha thiết tổ chức ngày hội của riêng mình, thật không gì sung sướng bằng!
Những năm gần đây Vĩnh Thạnh nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, các ngành, đơn vị trong vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nhưng vẫn có những địa phương tuy cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự nhưng phản hồi sau đó lại không được như Vĩnh Thạnh. Cái khác của Vĩnh Thạnh là việc xây dựng phong trào văn hóa cơ sở được thực hiện đồng bộ; vai trò của các nghệ nhân, những hạt nhân giàu uy tín, nhiệt huyết được phát huy đến tối đa. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh chia sẻ: “Họ là lực lượng nòng cốt trình diễn, truyền dạy cho các lớp trẻ. Trong các cuộc thi, lễ hội văn hóa gần đây của Vĩnh Thạnh, các tiết mục diễn tấu cồng chiêng bài bản hơn. Các làng có sự chuẩn bị chu đáo về trang phục, thể hiện rõ bản sắc truyền thống người Bana. Các hoạt động thu hút nhiều bà con tham gia, trong đó có khá nhiều thanh niên. Đây thực sự là tín hiệu vui trong việc trao truyền, gìn giữ văn hóa truyền thống”.
VÂN PHI