Trăn trở về một hồ sơ cựu thanh niên xung phong
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LÐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định 5 hồ sơ thanh niên xung phong để công nhận liệt sĩ; trong đó có hồ sơ của cựu thanh niên xung phong Võ Văn Doanh (hoặc Danh), quê quán tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Hơn 3 năm, hồ sơ này vẫn nằm im bởi không xác định được thân nhân, quê quán như thông tin tại hồ sơ.
Đại diện cựu thanh niên xung phong tỉnh đều mong trường hợp của ông Doanh sớm được công nhận liệt sĩ để an ủi linh hồn ông.
- Trong ảnh: Đại diện các sở, ngành, hội đoàn thể tỉnh thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Quy Nhơn. Ảnh minh họa
Cựu thanh niên xung phong Võ Văn Doanh (hoặc Danh) hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ thi công tuyến đường sắt Chi Lăng - Đồng Đăng - Lạng Sơn thời kỳ 1954 -1956. Nhiều đồng đội cùng thực hiện nhiệm vụ với ông, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Nguyễn Anh Liên, đã xác nhận và lưu danh tên của ông tại Khu di tích lịch sử Nước Oa (Quảng Nam).
Tháng 9.2016, Bộ LĐ-TB&XH được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định 5 hồ sơ thanh niên xung phong để công nhận liệt sĩ; gồm 4 hồ sơ cựu thanh niên xung phong ở tỉnh Quảng Ngãi và 1 hồ sơ cựu thanh niên xung phong Bình Định là ông Võ Văn Doanh (hoặc Danh). Cuối năm 2016, UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH vì không xác định được ông Doanh và thân nhân của ông có sinh sống tại xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) như thông tin ghi tại các văn bản của Hội Cựu thanh niên xung phong cung cấp.
Trong hai năm 2017 và 2019, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh tiếp tục kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, công nhận liệt sĩ cho ông Võ Văn Doanh. Văn bản của Bộ LĐ-TB&XH gửi cho Đoàn ĐBQH tỉnh vào tháng 1.2018 ghi: “Ngày 23.3.2017, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, đề nghị Hội làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định để làm rõ, thống nhất quê quán của ông Doanh, làm căn cứ để lập hồ sơ. Đến nay, Bộ chưa nhận được phản hồi của Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam”.
Ngẫm về các liệt sĩ chưa rõ tên đang được chăm sóc, hương khói tại các Nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh chạnh lòng về trường hợp của ông Doanh.
Tại buổi tiếp xúc với Mặt trận và các tổ chức thành viên sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cho biết: Bên lề kỳ họp, ông đã gặp và trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về trường hợp của ông Doanh. Bộ trưởng cho rằng địa phương không xác định được là có người tên Võ Văn Doanh (hoặc Danh) ở xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) như hồ sơ đề nghị, không xác định được thân nhân của ông Doanh thì rất khó có cơ sở để công nhận liệt sĩ. Công việc của các ngành liên quan tại Bình Định vẫn là tiếp tục tìm kiếm.
Ông Trần Đình Tạo, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh kể: Qua tìm kiếm, xác minh thông tin ông Võ Văn Doanh, nhiều người cao tuổi tại địa phương cho rằng: Ở địa phương chỉ có ông Võ Điều là đi nhập ngũ vào thời gian tương tự như ông Võ Văn Doanh rồi không thấy trở về. Ông Võ Điều đã được công nhận là liệt sĩ. Hồ sơ liệt sĩ được lập vào năm 1978, hơn 20 năm so với thời điểm ông hy sinh. Người đề nghị công nhận liệt sĩ là ông Võ Á - cháu ruột gọi ông Điều là chú. Thời gian hy sinh ghi tại hồ sơ là ngày 15.12.1954, khá tương đồng với ông Võ Văn Doanh. Đáng nói, thông tin nơi hy sinh lại rất khác biệt. Ông Võ Điều hy sinh tại Nam Bộ trong trường hợp chiến đấu.
“Hiện tại, ông Võ Á và các thành viên của gia đình ông không còn ở địa phương. Ông Võ Điều không có mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã. Chúng tôi đặt giả thuyết rằng anh Võ Văn Doanh chính là anh Võ Điều. Cái tên Võ Văn Doanh được dùng khi đi làm nhiệm vụ. Nhưng lại chưa có cơ sở nào để làm rõ và thống nhất”, ông Tạo nói thêm.
Trăn trở về trường hợp của ông Võ Văn Doanh, ông Võ Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, tâm sự: “Quan điểm của tôi là anh Doanh xứng đáng được công nhận là liệt sĩ bởi thứ nhất là anh có đồng đội cùng chiến đấu, cùng làm nhiệm vụ xác nhận; thứ hai là anh hy sinh lúc làm nhiệm vụ; thứ ba là tên anh tại bia tưởng niệm di tích lịch sử Nước Oa không ai thắc mắc, phản đối. Nhiều lần, đứng trước các phần mộ liệt sĩ chưa rõ tên ở các nghĩa trang liệt sĩ, tôi suy ngẫm về trường hợp của anh. Mong trường hợp của anh sớm được công nhận liệt sĩ để chúng tôi đưa hài cốt anh từ nghĩa địa Kỳ Lừa (tỉnh Lạng Sơn) về nghĩa trang liệt sĩ quê hương cho ấm cúng, an ủi linh hồn anh”.
NGUYỄN MUỘI