Kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm: Hài hòa lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng
Bên cạnh tư vấn, hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành chức năng của tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện sản xuất cung ứng sản phẩm an toàn.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, có rất nhiều cơ sở, hộ gia đình đăng ký thực hiện chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), và đã được tư vấn, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này. Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết: Qua quá trình hướng dẫn, đã có nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông sản VSATTP. Từ năm 2010 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho 397 cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp theo quy định tại Thông tư 45/2014 của Bộ NN&PTNT. Công tác kiểm tra, hậu kiểm định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh nói trên cũng đã được tăng cường. Qua 6 tháng đầu năm 2019, đã có 250 cơ sở được kiểm tra, thẩm định và xếp loại.
Sở NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận điểm bán sản phẩm an toàn cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Nhiều cơ sở, hộ sản xuất đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa theo hướng “sạch” hơn, an toàn hơn. Cơ sở chế biến nước mắm Như Hoa ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn là một điển hình. Từ một cơ sở chế biến nhỏ tại nhà, chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Như Hoa đã xây dựng thương hiệu “Nước mắm Như Hoa” có uy tín trong và ngoài nước, bình quân mỗi tháng xuất bán trên 20.000 lít nước mắm. “Chúng tôi luôn quan tâm đến đảm bảo VSATTP và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín, thương hiệu. Từ khâu chọn nguyên liệu ban đầu đến khâu chế biến, đóng chai đều đảm bảo các quy định của Nhà nước về VSATTP”, bà Hoa chia sẻ.
Cơ sở sản xuất chả cá Thanh Vân, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, cũng đã thành công hơn trong tiêu thụ sản phẩm nhờ đảm bảo VSATTP. Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở, bộc bạch: “Tôi nghĩ khách hàng cũng như mình đều muốn dùng sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn, nên tất cả các khâu sản xuất, chế biến sản phẩm đều được thực hiện nghiêm theo quy định của Nhà nước về VSATTP. Năm 2016, cơ sở chúng tôi đã được Sở NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận điểm bán chả cá an toàn. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, bình quân mỗi ngày chúng tôi sản xuất và cung cấp 1,5 - 1,8 tấn sản phẩm cho thị trường trong nước”.
Từ những kết quả tích cực trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành chức năng và chính quyền các địa phương tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động đảm bảo VSATTP trên lĩnh vực nông nghiệp. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT và chính quyền các cấp tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia ngoài danh mục cho phép; đồng thời thiết lập và áp dụng thực hành sản xuất tốt. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lấy mẫu các loại sản phẩm nông nghiệp để giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý nghiêm đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về VSATTP. Cập nhật, công khai và thông tin về gương điển hình tiên tiến, điểm sản xuất, bày bán sản phẩm VSATTP để người dân biết, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
PHẠM TIẾN SỸ