Phòng chống, điều trị kịp thời sốt xuất huyết
Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết quan trọng nhất là diệt muỗi, lăng quăng. Cụ thể như lật úp các dụng cụ chứa nước chưa dùng đến, đậy kín và thả cá ăn lăng quăng ở tất cả các vật dụng chứa nước sinh hoạt như bể, chum, vại, các vật dụng chứa nước khó súc rửa... đồng thời vận động cộng đồng tham gia hoạt động diệt lăng quăng hàng tuần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần ở những tháng cao điểm của dịch. Khi có biểu hiện nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.
Bệnh sốt xuất huyết thường có triệu chứng sốt cao, đột ngột, kéo dài trong vòng 2 - 7 ngày kèm theo đau đầu, đau cơ, đau xương, khớp và nổi ban. Bệnh diễn biến nặng có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: dưới da, niêm mạc, xuất huyết nội tạng, gan to và có thể tiến triển đến hội chứng sốt dengue... Trong những ngày đầu rất khó phân biệt với các loại sốt vi rút khác, nên cần thực hiện các xét nghiệm và xem xét thêm các yếu tố dịch tễ như trong gia đình, trong cộng đồng hoặc xung quanh có người đã được xác định là mắc sốt xuất huyết, là nơi đã có dịch hoặc đang là mùa dịch sốt xuất huyết. Việc phát hiện, điều trị sớm là rất cần thiết vì căn bệnh này chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng bệnh.
Bác sĩ Huỳnh Vĩnh Thu, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Bệnh nhân sốt xuất huyết tùy theo giai đoạn và thể trạng của người bệnh sẽ có biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. Người bệnh ở giai đoạn đầu, nếu có sốt thì dùng thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất, theo dõi toàn trạng, uống nhiều nước, uống nước pha oresol. Nếu bệnh nhân ở ngày thứ 4 hoặc thứ 5 của bệnh sốt xuất huyết, có biểu hiện xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị kịp thời”.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)