3 thế hệ neutrino và hơn thế nữa
(BĐ) - Sáng 5.8, hơn 50 nhà khoa học đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có mặt tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) để tham dự Lễ khai mạc sự kiện khoa học “Ba thế hệ neutrino và hơn thế nữa”, do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức từ ngày 4-10.8.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, GS Trần Thanh Vân cho biết, hội nghị là một cơ hội tốt để các nhà khoa học trẻ Việt Nam tiếp cận những nghiên cứu mới nhất về neutrino - một trong những thành phần cơ bản cấu thành nên vật chất. Đây là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng của Vật lý hạt cơ bản và năng lượng cao bắt đầu từ giữa thế kỷ XX.
GS Andre de Gouvea đến từ Trường ĐH Northwestern (Mỹ) giới thiệu về các hạt neutrino và tầm quan trọng của chúng tại Hội nghị.
Chủ đề của Hội nghị tập trung vào những hiểu biết từ trước đến nay về 3 thế hệ hạt neutrino, hệ quả của chúng, tầm ảnh hưởng của sự khám phá này trên cách phân tích các hiện tượng bên ngoài khuôn khổ vật lý thông thường, và làm cách nào chúng ta có thể khám phá những miền đất mới này.
Chương trình hội nghị xoay quanh các nội dung: lịch sử khám phá sự tồn tại của chỉ duy nhất 3 thế hệ neutrino linh hoạt và nhẹ; tác động của con số 3 này đến vũ trụ học, vật lý thiên văn và vật lý hạt; các thuộc tính của neutrino và ma trận trộn của chúng; các nghiên cứu về nguồn gốc hình thành hạt neutrino; sự truy tìm các hạt neutrino lạ (phân cực phải) trong thang đo năng lượng từ eV đến TeV; triển vọng trong việc khai thác sự hiện hữu của 3 thế hệ neutrino và các mô hình khối lượng neutrino để giải thích vật chất tối và tính bất đối xứng Baryon của vũ trụ; khả năng phối hợp các thí nghiệm về neutrino với những lĩnh vực khác, đặc biệt là trong các nghiên cứu về vật chất tối. Chương trình cụ thể của hội nghị có thể tìm thấy ở trang web: http://vietnam.in2p3.fr/2019/neutrinos/program.php
Hơn 50 nhà khoa học đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham dự lễ khai mạc.
Thế giới hạt cơ bản được mô tả bởi một mô hình được đánh giá là mô hình lý thuyết thành công nhất trong lịch sử Vật lý, có tên là Mô Hình Chuẩn. Mô hình này tiên đoán rằng, neutrino là những hạt không có khối lượng. Tuy nhiên, một hiện tượng rất thú vị có tên là “Dao động neutrino” đã dẫn đến một hệ quả quan trọng bậc nhất của Vật lý trong thế kỷ XX là neutrino có khối lượng - mặc dù rất nhỏ. Việc phát hiện này đã mang đến giải Nobel Vật lý năm 2015 cho GS Takaaki Kajita (người Nhật Bản) và giáo sư Arthur B.McDonald (người Canada). 20 năm sau khi hiện tượng này được phát hiện, neutrino vẫn là một hạt đầy bí ẩn với nhiều câu hỏi cần được giải đáp. Trong đó, câu hỏi rất quan trọng là: có bao nhiêu loại hay còn gọi là thế hệ neutrino tồn tại trong vũ trụ? Câu trả lời cho đến ngày hôm nay là chúng ta biết có 3 thế hệ hay 3 loại neutrino. Đó là: electron neutrino, muon neutrino và tau neutrino. Hai thí nghiệm đã giúp thiết lập con số 3 thế hệ neutrino này là thí nghiệm với máy gia tốc tuyến tính Stanford (SLC) ở Mỹ diễn ra vào ngày 12.4.1989 và thí nghiệm với máy gia tốc electron-positon (LEP) ở Châu Âu vào ngày 13.9.1989.
Năm 2019 là kỷ niệm 30 năm của việc chứng minh sự hiện diện của 3 loại hạt neutrino này.
NGỌC TÚ