Giải quyết vấn nạn rác thải: Ðể du lịch biển phát triển bền vững
Bình Ðịnh đang tập trung vào xây dựng các sản phẩm du lịch biển đảo, đặc biệt chú trọng khai thác thế mạnh là các vùng biển còn nguyên sơ. Thế nhưng chỉ sau một thời gian khai thác, các điểm du lịch biển đã đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải.
Hoạt động dọn rác ở biển Nhơn Hải.
Vấn đề rác thải đã được đưa lên bàn nghị sự không chỉ của ngành Du lịch. Và đặc biệt không chỉ ở những nơi du lịch phát triển nóng mới xảy ra ô nhiễm. Vấn nạn ô nhiễm còn tồn tại ở cả những nơi đang tính toán kế hoạch phát triển du lịch biển.
Nhiều người dân ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn cho rằng, ghềnh đá lúc nào cũng có rác tấp vào, dọn sao sạch. Mà lâu nay cứ như thế mà sống thì có chết ai đâu, nhiều người hồn nhiên vừa cười vừa bày tỏ, và cũng có người khá bàng quan khi thấy nhóm tình nguyện viên làm sạch bãi biển quê hương mình.
“Người dân ở đây khai thác du lịch ngay trên biển, thật khó hiểu rằng họ nghĩ gì khi đổ rác xuống biển, họ ứng xử với môi trường tệ quá. Chúng tôi đã gom rác lại, cố gắng làm sạch môi trường biển, tạo hình ảnh đẹp cho khách du lịch về Nhơn Hải. Chúng tôi thấy buồn vì thiếu sự chung tay từ chính người dân nơi đây”, một tình nguyện viên trong buổi dọn rác ở Nhơn Hải chia sẻ.
Ô nhiễm ở vùng ven biển tỉnh ta là một câu chuyện dài, mà đầu tiên là do ý thức của người dân, cách ứng xử của họ với biển. Nên thật ra không phải chỉ mỗi một mình cư dân Nhơn Hải mới có thói quen ứng xử như thế với môi trường. Một số cán bộ của Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Bình Định sau khi đi công tác, thực hiện một số cuộc khảo sát sơ bộ tại các khu dân cư ven biển trong tỉnh đã khá lo lắng bởi tình trạng ô nhiễm. Và điều đáng lo lắng hơn là nhiều người tin rằng đó là thực tế không thể thay đổi được.
Trong chuyến khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch huyện Phù Mỹ cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi tới làng chài Tân Phụng, xã Mỹ Thọ - một điểm nhấn trong tour du lịch biển địa phương này. Biển rất đẹp, nơi đây còn có thắng cảnh Mũi Vi Rồng, chỉ cần đi dọc bãi cát ven làng chài không thôi nhiều người đã có thể thu vào ống kính nhiều khuôn hình đẹp rực rỡ. Vẻ đẹp của Tân Phụng là điều không thể phủ nhận, song dọc bãi biển, trên bờ cát đầy những túi nylon và từ những ngôi nhà sát biển, những đường ống xả nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi chảy vòng vèo qua bờ cát đi xuống biển. Ấn tượng đẹp của biển Tân Phụng bị thực tế trước mắt lấn át - một vùng biển ô nhiễm. Người dân “biện hộ” đó là tập quán của vùng biển, đó là rác từ nơi khác tấp vào theo sóng.
“Chúng ta không thể khai thác du lịch trên cái nền của sự ô nhiễm như vậy. Biển Tân Phụng chưa đón khách du lịch nhiều đến mức có thể nói ô nhiễm là do du lịch phát triển nóng. Ô nhiễm ở Tân Phụng là do rác thải, nước thải sinh hoạt của người dân. Vì vậy, nếu huyện Phù Mỹ muốn nói chuyện du lịch, muốn xây dựng sản phẩm du lịch biển ở Tân Phụng, thì trước tiên hãy xử lý ô nhiễm rác thải ở bãi biển, phải tuyên truyền, động viên để người dân chủ động thay đổi thói quen, bảo vệ môi trường” - bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, góp ý.
Điều đáng mừng là không phải ở đâu cũng như Tân Phụng, Nhơn Hải. Với một địa phương đang phát triển “nóng” về du lịch biển, xã Nhơn Lý tích cực trong việc đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường biển. Các hoạt động thu gom rác, chiến dịch làm sạch biển, các điểm du lịch được chính quyền địa phương kết nối với các DN khai thác du lịch triển khai thường xuyên.
Xuất phát từ việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chính quyền xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn đã chọn cách tiếp cận, cách làm khác - đưa yếu tố bảo vệ môi trường lên đầu khi xây dựng kế hoạch phát triển du lịch. Ông Đặng Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, trình bày: “Khi nói với bà con trên đảo chuyện phát triển kinh tế, thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống từ kinh doanh du lịch, chúng tôi đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường đầu tiên! Chúng tôi thuyết phục bà con, người ta đến Nhơn Châu nghỉ dưỡng vì biển đẹp, vì con người chân chất, hồn hậu, đáng mến và đặc biệt là bởi môi trường xanh - sạch - trong lành. Phát triển du lịch phải song song với bảo vệ môi trường thì lợi ích mới bền, tài nguyên du lịch mới còn mãi, cả người dân và DN đều phải quán triệt chuyện này. Thuyết phục được dân, chúng tôi mới xây dựng chính sách, theo đó, mỗi đơn vị, DN hoạt động khai thác du lịch ở Nhơn Châu đều phải đóng góp chi phí bảo vệ môi trường; từ nguồn thu này chúng tôi tổ chức các đội thu gom rác thường xuyên; tuyên truyền để cư dân trên đảo có thói quen ứng xử tốt với môi trường, bỏ rác đúng quy định, đóng phí thu gom rác để tổ thu gom rác hoạt động đều đặn. Chúng tôi vừa làm xong khảo sát về tác động của du lịch với môi trường Nhơn Châu, trên cơ sở đó có biện pháp nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực hơn trong việc bảo vệ môi trường”.
Bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch là vấn đề đang được Sở Du lịch, các ngành, các cấp quan tâm. Tiến tới việc hoàn thiện và phổ biến bộ quy chế bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Phải giữ gìn môi trường, đặc biệt là môi trường biển thì mới có thể nói đến phát triển chứ chưa nói đến phát triển bền vững. Chúng ta không thể vì một đoạn lợi ích trước mắt mà xem nhẹ việc giữ gìn môi trường!
THU DỊU