Nguồn gốc của từ “châm chước”
Châm chước là từ hầu như ai cũng rõ nghĩa. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: 1. “lấy ở chỗ này, bỏ ở chỗ kia, thêm bớt cho vừa phải”, như trong châm chước đề nghị của hai bên để làm hợp đồng; 2. “giảm nhẹ bớt yêu cầu, vì chiếu cố đến hoàn cảnh cụ thể”, như trong châm chước về điều kiện tuổi; 3. “chiếu cố mà tha thứ”, như trong cứ thành khẩn nhận lỗi, người ta sẽ châm chước cho (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.150).
Tuy nhiên, về nguồn gốc của từ này, không phải ai cũng tường tận. Thậm chí, có người còn cho rằng đây là một từ láy vì hai yếu tố châm và chước láy nhau ở phụ âm /ch/ và cả hai đều… mờ nghĩa.
Thật ra, đây là một từ ghép và hai yếu tố châm và chước đều có nghĩa cụ thể. Châm chước là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, châm (bộ đẩu, liên quan đến cái đấu để đong) có nghĩa là “rót, chắt” như trong châm tửu (rót rượu), châm trà (rót trà). Còn chước thuộc bộ dậu (chữ tửu cổ, liên quan đến rượu), cũng có nghĩa là “rót rượu”, nay thông dụng là “uống rượu”. Như vậy, châm chước là tổ hợp ghép của hai yếu tố gần nghĩa, có thể hiểu là “rót rượu”.
Từ nghĩa gốc này, châm chước phái sinh nét nghĩa “cân nhắc, đắn đo, liệu tính cho vừa, cho đúng, cho hợp lý”, cũng giống như rót rượu vào chén, phải cân nhắc chén lớn, nhỏ, nông, sâu để rót cho vừa đủ. Đi vào tiếng Việt, châm chước bị rơi mất nghĩa gốc, chỉ còn nghĩa chuyển (đây là hiện tượng phổ biến, cũng là một trong những cách thức Việt hóa từ vựng gốc Hán quan trọng của người Việt). Vì thế, nguồn gốc của châm chước dần bị mờ đi.
Bên cạnh châm chước, trong tiếng Việt còn nhiều trường hợp tương tự. Đó là những từ gốc Hán, khi vào tiếng Việt bị mất đi nghĩa gốc, chỉ còn dùng các nét nghĩa phái sinh, do đó dễ gây nhầm lẫn. Đối với lớp từ này, muốn dùng/ hiểu đúng, cần phải truy tìm về nghĩa gốc của từng yếu tố.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ